Trao đổi thương mại làm dịu căng thẳng Ấn Ðộ - Pa-ki-xtan
Người dân ở khu vực Ca-sơ-mia do Ấn Độ kiểm soát. Ảnh AP Hoạt động thương mại tại một số cửa khẩu dọc khu vực biên giới Ấn Độ - Pa-ki-xtan vừa được nối lại sau khi hai nước nhất trí thực thi một thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực tranh chấp Ca-sơ-mia. Trong những năm gần đây, trao đổi thương mại qua biên giới giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan trở thành phương tiện hữu hiệu thúc đẩy quan hệ song phương.Giới chức Pa-ki-xtan cho biết, sáu xe tải của nước này mang theo hành, chà là và trái cây khô đã đi qua cửa khẩu Ti-tri-nốt và Ranh giới kiểm soát (LOC) sang phần lãnh thổ Ca-sơ-mia do Ấn Độ kiểm soát. Tuyến xe buýt nối Pun-chơ phía Ấn Độ với Ra-oa-la-cốt phía Pa-ki-xtan cũng được hai bên nối lại. Các động thái nói trên là những dấu hiệu cho thấy hai bên chấm dứt hơn nửa tháng đóng băng giao dịch mậu biên ở vùng Ca-sơ-mia sau khi xảy ra các cuộc giao tranh giữa quân đội hai nước tại khu vực này đầu tháng 1 vừa qua, gây căng thẳng trong quan hệ hai nước. Giới...
Người dân ở khu vực Ca-sơ-mia do Ấn Độ kiểm soát. Ảnh AP |
Giới chức Pa-ki-xtan cho biết, sáu xe tải của nước này mang theo hành, chà là và trái cây khô đã đi qua cửa khẩu Ti-tri-nốt và Ranh giới kiểm soát (LOC) sang phần lãnh thổ Ca-sơ-mia do Ấn Độ kiểm soát. Tuyến xe buýt nối Pun-chơ phía Ấn Độ với Ra-oa-la-cốt phía Pa-ki-xtan cũng được hai bên nối lại. Các động thái nói trên là những dấu hiệu cho thấy hai bên chấm dứt hơn nửa tháng đóng băng giao dịch mậu biên ở vùng Ca-sơ-mia sau khi xảy ra các cuộc giao tranh giữa quân đội hai nước tại khu vực này đầu tháng 1 vừa qua, gây căng thẳng trong quan hệ hai nước. Giới thương nhân Pa-ki-xtan ước tính, chỉ trong một thời gian ngắn như vậy, việc tuyến đường quan trọng nối liền hai nước bị đóng cửa đã khiến họ thiệt hại 300 nghìn USD.
Pa-ki-xtan, thị trường hơn 180 triệu dân và Ấn Độ, thị trường khổng lồ với hơn 1,2 tỷ dân là hai thị trường lớn nhất ở Nam Á, có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác thương mại song phương. Tuy nhiên, quan hệ thương mại song phương giữa hai nước hiện ở mức thấp hơn rất nhiều so mong muốn và tiềm năng của cả hai bên. Quan hệ chính trị nhiều thăng trầm giữa hai nước đã ảnh hưởng nhất định sự phát triển quan hệ thương mại song phương. Năm 2010, hai bên nối lại tiến trình hòa bình, bị đình trệ do vụ đánh bom vào trung tâm tài chính Mum-bai của Ấn Độ năm 2008 làm 166 người chết. Năm 2012, hai bên coi trọng việc thúc đẩy quan hệ thương mại song phương để cải thiện quan hệ hai nước. Theo đó, trong một cử chỉ được cho là để bình thường hóa quan hệ với Pa-ki-xtan, tháng 8-2012, Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động đầu tư nước ngoài từ Pa-ki-xtan, cho phép công dân và tổ chức Pa-ki-xtan được đầu tư trực tiếp vào Ấn Độ (trừ các lĩnh vực quốc phòng, không gian và năng lượng). Hai nước cũng mở cửa khẩu thương mại thứ hai, nâng số lượt xe tải qua lại giữa hai nước từ 150 chuyến/ngày lên 600 chuyến/ngày.
Pa-ki-xtan cũng ngỏ ý sẽ sớm trao cho Ấn Độ quy chế ưu đãi tối huệ quốc, áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Ấn Độ bằng mức hàng hóa từ các nước khác. Hai bên cũng thảo luận về việc nới lỏng quy định cấp thị thực nhập cảnh cho đối tượng kinh doanh và du lịch giữa hai nước, cho phép các ngân hàng mở chi nhánh ở nước bên kia… Giới phân tích cho rằng, các thỏa thuận giảm rào cản thương mại giữa hai nước sẽ mở ra cơ hội lớn thúc đẩy trao đổi trong các lĩnh vực nông nghiệp, may mặc, dược phẩm của hai nước và có thể nâng mức kim ngạch thương mại hai chiều hiện đạt khoảng ba tỷ USD lên 10 tỷ USD/năm.
Giới chức Ấn Độ nhấn mạnh, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan chỉ có thể được thúc đẩy trong một môi trường hòa bình và ổn định. Để chấm dứt căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước xuất phát từ tranh chấp tại Ca-sơ-mia, Niu Đê-li và I-xla-ma-bát nhất trí tôn trọng lệnh ngừng bắn hai bên đạt được tại LOC năm 2003, cũng như xúc tiến nhiều hoạt động khác tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước. Trong bức điện gửi Thủ tướng Ấn Độ M.Xinh nhân Ngày Cộng hòa của Ấn Độ mới đây, Thủ tướng Pa-ki-xtan P.A-sơ-ráp nêu rõ, Pa-ki-xtan muốn có quan hệ hữu nghị với Ấn Độ và mong muốn giải quyết tất cả các vấn đề thông qua đối thoại. Đối thoại là giải pháp tốt nhất để hai bên lựa chọn vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()