Trao đổi thông tin về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan ở vùng biển Việt Nam
Sáng 13/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp chia sẻ thông tin với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài về tình hình biển Đông dưới sự chủ trì của ông Phan Anh Sơn, đại diện Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Hơn 300 đại biểu tham dự cuộc họp chia sẻ thông tin về tình hình biển Đông do |
Tham dự cuộc gặp có khoảng 300 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đại diện các Ban, đơn vị trực thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đại diện từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.
Bốn diễn giả, nhà bình luận tham dự buổi chia sẻ thông tin về tình hình Biển Đông gồm: Ông Nguyễn Vũ Tùng, Viện Biển Đông; bà Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao; ông Lê Văn Cương, nhà phân tích quan hệ quốc tế và ông Lê Thanh Sơn, luật sư Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Các diễn giả đã chia sẻ về lịch sử, khía cạnh pháp lý cũng như các diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong vùng biển của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo các diễn giả, hành động này là bất hợp pháp và đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, trực tiếp là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, đi ngược lại nội dung thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Hành động xâm phạm này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, làm cho dư luận Việt Nam cũng như khu vực và thế giới lo ngại, tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Trên cơ sở đó, cộng đồng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 ở vùng biển Việt Nam và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, kiên trì thúc đẩy đàm phán trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời ra tuyên bố đề nghị Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có các biện pháp nhằm chấm dứt xung đột ở Biển Đông. Việc Trung Quốc chấm dứt mọi hành động làm căng thẳng leo thang, rút hết giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam sẽ góp phần làm ổn định môi trường hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()