Trao “cần câu” cho người nghèo
LSO-Hằng năm, tỷ lệ giảm nghèo của Bình Gia đạt chỉ tiêu 4%, năm 2017, tỷ lệ này đạt trên 6%. Kết quả đó là do cấp ủy, chính quyền huyện đã định hướng đúng đắn, đề ra những biện pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả.
Qua 2 năm chăm sóc, gia đình anh Hoàng Văn Quân đã có 2 con bò |
Để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, trước hết phải thay đổi nhận thức của người dân. Theo đó, các cán bộ, đảng viên, những người làm công tác dân vận đã thường xuyên tuyên truyền cho người dân, tạo động lực cho họ tự tin vượt khó giảm nghèo, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và mong muốn thoát nghèo để tìm cách giúp đỡ. Thực hiện chủ trương đó, từ năm 2014, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Gia đã xây dựng chương trình vận động giúp đỡ hộ nghèo theo địa chỉ với những mô hình cụ thể.
Ông Lê Tiến Hưng, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bình Gia cho biết: Công tác giảm nghèo vẫn được thực hiện theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhưng cách giúp đỡ cũng phải có sự thay đổi. Với phương châm cho “cần câu” chứ không cho “con cá”, cách thoát nghèo là cần phải giúp họ cách thức sử dụng vốn để tổ chức sản xuất tạo ra của cải vật chất, tăng thu nhập.
Hưởng ứng quỹ “Cùng bò vượt khó”, các công chức, viên chức, doanh nhân, những người hảo tâm trên địa bàn huyện đã đóng góp ít nhất một ngày lương. Sau khi có quỹ, cấp ủy, chính quyền sẽ chỉ đạo việc rà soát hộ nghèo khó khăn nhất có mong muốn vươn lên thoát nghèo nhưng thiếu vốn, mỗi hộ nhận được 1 con bò trị giá 10 triệu đồng. Trong hợp đồng giao bò cái cho hộ nghèo có kèm điều khoản cam kết khi bò đẻ con bê đầu tiên đến khi tách được bò mẹ sẽ giao cho hộ nghèo thứ hai, con bò mẹ sẽ vĩnh viễn thuộc về hộ thứ nhất và quỹ hỗ trợ lại giúp hộ thứ nhất 2 triệu đồng chăm sóc bê. Với cách tổ chức như vậy, chương trình bò thiện nguyện đã triển khai được tại 3 xã: Tô Hiệu, Mông Ân, Thiện Thuật. Từ 15 con được trao cho những hộ đầu tiên, hiện nay đã có 29 hộ được nhận bò giống, trong đó có 5 hộ đã có 2 con bò.
Bên cạnh quỹ “Cùng bò vượt khó”, huyện Bình Gia còn xây dựng mô hình các cơ quan, đơn vị trên địa bàn giúp đỡ hộ nghèo theo địa chỉ. Theo đó, các cơ quan, trường học ở địa bàn nào giúp đỡ hộ nghèo địa bàn đó; các cơ quan, đơn vị ở trung tâm huyện thì giúp đỡ hộ nghèo theo địa chỉ tại các xã đặc biệt khó khăn. Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện đã có 183 lượt cơ quan, đơn vị trường học nhận giúp đỡ 95 hộ nghèo với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Nguồn vốn đó chủ yếu được đầu tư vào chăn nuôi trâu, bò sinh sản, dê, lợn giống và lợn thịt.
Ở Bình Gia, việc giúp đỡ hộ nghèo không chỉ dừng ở việc trao cho họ nguồn vốn mà còn đến hướng dẫn, giúp đỡ họ cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Sau khi trao giống chăn nuôi cho hộ nghèo theo địa chỉ, mỗi xã thành lập 1 đội quản lý phụ trách việc giám sát, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi. Định kỳ, các cán bộ sẽ đến các hộ để thăm hỏi, động viên các gia đình, kiểm tra sinh trưởng của các con giống để có những tư vấn phù hợp giúp bà con.
Anh Hoàng Văn Quân, thôn Pá Nim, xã Tô Hiệu cho biết: Năm 2015, gia đình tôi được nhận bò từ quỹ “Cùng bò vượt khó”. Có được tài sản quý đó, gia đình như có thêm động lực để giảm nghèo. Hai năm nay, chính quyền huyện, xã vẫn thường xuyên thăm hỏi, tư vấn hỗ trợ gia đình nhiều kiến thức chăn nuôi bổ ích… Với sự chăm chỉ, cần cù lao động, gia đình anh vừa xây dựng xong được ngôi nhà mới khang trang. Đặc biệt, niềm vui được nhân đôi khi đầu năm 2017, con bò của gia đình đã sinh được một con bê.
Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền huyện Bình Gia tiếp tục duy trì quỹ “cùng bò vượt khó” và lan tỏa mô hình các đơn vị, cơ quan giúp đỡ hộ nghèo theo địa chỉ đến nhiều xã, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()