Trao "cần câu" cho đồng bào dân tộc thiểu số
Năm 2013, tổ chức quốc tế chống đói nghèo tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam-AAV) đã triển khai Dự án "Sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số các huyện miền tây Nghệ An" tại huyện Quế Phong. Đến nay, sau hơn một năm thực hiện Dự án đã mang lại hiệu quả bước đầu, nhưng để có kế sinh nhai bền vững thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Những mô hình thanh niên
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Bí thư Huyện đoàn Quế Phong Nguyễn Minh Thuần cho biết: Do đối tượng mà Dự án nhắm đến là thanh niên, nên trước khi triển khai, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã tổ chức phát phiếu thăm dò lấy ý kiến thanh niên trên địa bàn toàn huyện về nhu cầu đào tạo, tập huấn ở các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, kỹ năng tổ chức quản lý, sản xuất, kinhdoanh, kiến thức về tổ hợp tác, hợp tác xã…
Sau khi nắm bắt được số lượng thanh niên tham gia thực hiện Dự án, Huyện đoàn phối hợp Liên minh HTX tỉnh Nghệ An và AAV tổ chức 12 lớp tập huấn cho 205 thanh niên về kỹ thuật trồng chanh leo, rau an toàn, nấm, dưa rẫy, nuôi trồng thủy sản; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý kinh tế và phát triển kinh tế thị trường. Tất cả các lớp tập huấn được phối hợp tổ chức chặt chẽ, theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, học lý thuyết gắn với thực hành ngay tại thực địa giúp người tham gia dễ nhớ dễ hiểu và thực hiện được ngay. Do đó không chỉ thu hút thanh niên tham gia mà còn có cả các bậc “cao niên” trong xã cũng xin được “thỉnh giảng” để học hỏi, tìm hiểu thêm kiến thức nông nghiệp. Qua đó thanh niên nói riêng và một bộ phận người dân huyện Quế Phong nói chung đã có những thay đổi trong nhận thức về vai trò của việc áp dụng khoahọc – kỹ thuật vào trong sản xuất. Từ chỗ chỉ làm theo kinh nghiệm, chưa hiểu biết nhiều về quy trình kỹ thuật, cách làm đất, sử dụng phân bón, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thì nay hầu hết thanh niên sau khi tham gia các lớp tập huấn đã chủ động trong việc áp dụng vào sản xuất trên chính diện tích đất đai của mình, vì thế sản phẩm làm ra cho năng suất và chất lượng cao hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.
Kết quả đạt được nổi bật nhất trong triển khai thực hiện dự án là việc hình thành các mô hình thanh niên sản xuất – kinh doanh hiệu quả, tạo nên hướng đi mới, sản phẩm mới, chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, cũng như dịch vụ nông nghiệp. Chủ nhiệm HTX trồng nấm Mường Nọc Lô Thanh Bình, cho biết: Từ chỗ HTX đứng trên bờ phá sản do sản phẩm làm ra chất lượng thấp, khó tiêu thụ, xã viên chán nản, bỏ việc tìm nghề mới, sau hơn một năm tham gia xây dựng mô hình trồng nấm do AAV đào tạo, số xã viên đã tăng lên 35 người, với thu nhập bình quân đạt tới 25 triệu đồng/người/năm. Số thành viên HTX không chỉ tăng lên gấp năm lần so với trước, mà còn tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động tại các hộ gia đình.
Bên cạnh HTX trồng nấm Mường Nọc, hiện còn có 100 hộ tham gia trồng chanh leo với diện tích 55 ha, tạo việc làm ổn định cho từ 300 đến 500 người, thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/người/năm. Cá biệt có hộ cho thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, các mô hình rau sạch, nuôi trồng thủy sản… bước đầu cũng mang lại những kết quả khả quan cho vùng đất vốn được coi là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn, khai hoang hoặc thuê đất để lập nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.
Đến nay, toàn huyện Quế Phong có hơn 130 điển hình thanh niên phát triển kinh tế, trong đó hộ gia đình anh Lương Văn Hà, ở xã Tiền Phong vừa được Trung ương Đoàn tuyên dương thanh niên làm kinh tế giỏi. Phong trào thanh niên làm kinh tế ngày càng lan tỏa, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bộ mặt nông thôn huyện miền núi có nhiều thay đổi, khởi sắc.
Gỡ khó cho huyện nghèo
Đồng hành cùng Dự án ngay từ nhữ ng ngày đầu sơ khai, cho đến khi “kết trái” như hôm nay, Phó Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Minh Thuần chia sẻ: Do là huyện vùng cao, biên giới, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú, Thổ nên Quế Phong hiện là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Vì vậy quá trình triển khai Dự án “Sinh kế bền vững cho thanh niên dân tộc thiểu số các huyện miền tây Nghệ An” cũng có không ít khó khăn khi các mô hình không có nguồn kinh phí hỗ trợ điểm trình diễn, không được hỗ trợ cây con giống như các dự án khác mà Nhà nước hỗ trợ cho người dân. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình thiếu vốn đầu tư, sản phẩm sản xuất ra người dân chưa mạnh dạn chủ động trong tìm kiếm thị trường hoặc kết nối với các doanh nghiệp, HTX làm đầu mối bao tiêu sản phẩm.
Để khắc phục hạn chế này, trước mắt về phía địa phương, Liên minh HTX tỉnh Nghệ An đã phối hợp UBND huyện Quế Phong lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình phát triển kinh tế được triển khai trên địa bàn, từ đó bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế.
Huyện đoàn đã phối hợp Ngân hà ng chính sách xã hội huyện, Quỹ thanh niên lập nghiệp Tỉnh đoàn Nghệ An và Quỹ thanh niên lập nghiệp Huyện đoàn Quế Phong giải ngân cho thanh niên vay vốn để triển khai và đẩy mạnh tìm đầu mối tiêu thụ các sản phẩm nhưng cũng không để xảy ra tình trạng tư thương cạnh tranh ép giá.
Về lâu dài, đề nghị tổ chức AAV tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ nhân rộng chương trình này, nhất là những địa bàn vùng dân tộc thiểu số miền tây Nghệ An; Ủy BanDân tộc, các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc, giúp người dân thoát nghèo bền vững theo phương châm “trao cần câu hơn là xâu cá” cho người nghèo. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ về cơ chế; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giúp đào tạo nghề; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp giống, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nuôi trồng cho bà con nông dân; Bộ Công thương giúp nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn mác hàng hóa và thị trường tiêu thụ ổn định dài lâu.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()