Trao 76 giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 13
Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 13, năm 2017 – 2018 được trao cho 76 tác phẩm với cơ cấu: 1 giải đặc biệt, 3 giải A, 13 giải B, 27 giải C, 32 giải Khuyến khích. Nổi bật trong số đó là tác phẩm “Hành trình rẻo cao – Các dân tộc rất ít người ở Việt Nam” của Tập thể Truyền hình nông nghiệp nông thôn VTC đạt giải đặc biệt.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao thưởng cho nhóm tác giả được Giải đặc biệt.
Ngày 16/11, nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2018), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lễ tổng kết và trao thưởng Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 13, năm 2017-2018.
Tham dự buổi lễ có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Điểu K’Ré, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, tiếp nối truyền thống của những năm trước, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 13 đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn viết trong cả nước. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.500 tác phẩm dự thi hợp lệ của 5 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí của gần 200 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Cùng với các tác giả và các cơ quan báo chí đã nhiều năm tham dự giải, năm nay tiếp tục có thêm nhiều tác giả từ các tỉnh, thành trong cả nước lần đầu có tác phẩm tham dự Giải khiến cho phong cách thể hiện cũng như đề tài phản ánh của các tác phẩm báo chí tham dự Giải ngày càng phong phú.
Tác giả dự thi gồm nhiều nhà báo chuyên nghiệp đang công tác ở trong và ngoài nước hoặc đã nghỉ hưu, các bạn viết – cộng tác viên của các cơ quan thông tấn, báo chí là các nhà trí thức, khoa học, văn nghệ sỹ, quân nhân, cựu chiến binh, cán bộ Mặt trận các cấp, giáo viên, sinh viên, thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hàu A Lềnh trao thưởng cho các tác giả được Giải A
Kết quả, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ 13, năm 2017 – 2018 được trao cho 76 tác phẩm với cơ cấu: 1 giải đặc biệt, 3 giải A, 13 giải B, 27 giải C, 32 giải Khuyến khích. Nổi bật trong số đó là tác phẩm “Hành trình rẻo cao – Các dân tộc rất ít người ở Việt Nam” của Tập thể Truyền hình nông nghiệp nông thôn VTC; tác phẩm “Thiêng liêng hai tiếng Việt Nam” của tác giả Hoàng Lan, đăng Báo Phụ nữ Thủ đô; tác phẩm “Khoán việc” cho cấp ủy, người đứng đầu – cách làm của Bắc Giang” của nhóm phóng viên đăng Báo Bắc Giang; tác phẩm “Ấn tượng xây dựng nông thôn mới thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Nguyễn Thị Minh Phước, Nguyễn Quốc Minh do Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh VOH phát sóng; Phóng sự ảnh “Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong trường học” của tác giả Cao Thị Oanh, đăng Báo Hậu Giang…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm được vinh danh, nhận giải. Đồng thời khẳng định, đây là những tác phẩm ấn tượng, nổi bật bởi những phát hiện, ý tưởng có giá trị; truyền tải tới xã hội, cộng đồng những thông điệp mang tính xây dựng cao, góp phần cổ vũ và phát huy đoàn kết, sức sáng tạo trong nhân dân, vì mục tiêu chung xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’Ré trao thưởng cho các tác giả được giải B
Đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, với truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ những người làm báo ngày càng trưởng thành về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Báo chí đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức mới; trước yêu cầu mới về củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặt ra nhiệm vụ cho báo chí và cán bộ quản lý công tác báo chí, các phóng viên, nhà báo ngày càng phải bản lĩnh, dũng cảm, tiên phong, chủ động và sắc bén hơn. Không ngừng nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và sự mong đợi của nhân dân.
Vì vậy, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan thông tấn, báo chí cần chủ động hơn trong việc góp phần định hướng dư luận, cảnh giác, phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ tiếp tục đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, những thông tin xấu, độc, không để các thế lực thù địch, lợi dụng, kích động; bảo vệ nhân dân, bảo vệ quan điểm, chủ trương của Đảng; bảo vệ công cuộc đổi mới, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Báo chí cùng các kênh thông tin tuyên truyền khác góp phần bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo sự đồng thuận xã hội, thống nhất cao về chính trị, tư tưởng và hành động trong Đảng và toàn xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Coi trọng việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; cổ vũ, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các gương người tốt, việc tốt, tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước…/.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()