Tránh tình trạng “được mùa rớt giá”: Không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp và địa phương
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, để sản xuất, tiêu thụ cũng như xuất khẩu rau quả theo hướng bền vững, tránh tình trạng “được mùa rớt giá” thì không thể thiếu đi vai trò chủ động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như vai trò của địa phương trong việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu. Bởi về lâu về dài, với việc phát triển kinh tế theo hướng thị trường thì người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
PV: Là một trong những mặt hàng được đánh giá là chủ lực trong xuất khẩu nông sản, rau quả, trái cây cần được quan tâm như thế nào thưa ông?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2015 đã chứng kiến sự khởi sắc, phát triển của hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và các ngành hàng kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng với hàng loạt các khuôn khổ hội nhập mới đang tạo ra các cơ hội cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam tiếp tục mở rộng và phát triển bền vững ở các thị trường mới. Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua tăng trưởng ở mức cao, bình quân 26,5% mỗi năm, từ 439 triệu USD trong năm 2009 lên gần 1,1 tỷ USD vào năm 2013. 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 368 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2014. Rau quả Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. 10 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonexia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.
Hội nghị bàn các giải pháp phát triển, sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo |
Tuy nhiên, rau quả, trái cây lại là các mặt hàng nhìn ở nhiều góc độ, rất cần quan tâm để đảm bảo được chất lượng, yêu cầu trong sản xuất, canh tác nông nghiệp cũng như trong thu hoạch, chế biến và xuất khẩu. Bởi đây là mặt hàng liên quan trực tiếp đời sống của người dân, đồng thời, cũng là mặt hàng được quản lý chặt chẽ của các quốc gia đối tác mà Việt Nam xuất khẩu. Đánh giá được điều này, thời gian qua, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình nhằm trao đổi và thảo luận các biện pháp thúc đẩy và xúc tiến các hoạt động tổ chức sản xuất nông nghiệp đối với các mặt hàng rau quả, trái cây theo quy hoạch và theo định hướng, yêu cầu của thị trường để có sự tổ chức tốt hơn trong các khâu tiêu thụ, phân phối và xuất khẩu.
PV: Thưa Thứ trưởng, như đã khẳng định, đã và đang có rất nhiều cơ hội mở ra cho tiêu thụ cũng như xuất khẩu rau quả, trái cây nhưng tại sao mặt hàng này vẫn đang “gặp khó”?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Phải khẳng định rằng, mặc dù thời gian qua nhóm hàng nông lâm thuỷ sản nói chung và mặt hàng rau quả nói riêng đã được Chính phủ và các bộ, ngành đặc biệt quan tâm và đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, còn có những tồn tại vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể, về sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản xuất rau quả đa số là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều. Công tác kiểm soát, phòng trừ sâu hại theo các tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap chưa được áp dụng rộng rãi. Diện tích các vùng sản xuất rau an toàn tập trung được quy hoạch còn rất hạn chế, cả nước đạt khoảng 8 – 8,5% tổng diện tích trồng rau. Chất lượng hàng nông sản Việt Nam chưa được cải thiện, phương thức sản xuất và kinh doanh lạc hậu, thiếu chủ động. Trong khi đó, các nước nhập khẩu yêu cầu về chất lượng hàng hoá cao hơn, và sự cạnh tranh của các quốc gia xuất khẩu rau quả khác ngày càng gay gắt trên cả phương diện chất lượng hàng hoá, giá cả và phương thức kinh doanh.
Tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chủ yếu là qua thương lái, công ty tư nhân thu gom; hệ thống hạ tầng thương mại còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ tăng trưởng thương mại rau quả ngày càng cao. Công tác thông tin và kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hữu quan, địa phương và doanh nghiệp chưa cao. Những điều này đã khiến cho tiêu thụ cũng như xuất khẩu rau quả, trái cây của Việt Nam gặp không ít khó khăn.
PV: Với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã có những biện pháp gì nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu rau quả, trái cây theo hướng bền vững?
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Thời gian qua, Bộ Công Thương với trách nhiệm của mình đã có nhiều biện pháp tích cực, chủ động và cụ thể để thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và đi kèm với đó là phát triển thị trường, mở cửa mặt hàng rau quả, trái cây. Tuy nhiên, để sản xuất, tiêu thụ cũng như xuất khẩu rau quả theo hướng bền vững, tránh tình trạng “được mùa rớt giá” thì không thể thiếu đi vai trò chủ động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như vai trò của địa phương trong việc quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu,… bởi về lâu về dài với việc phát triển kinh tế theo hướng thị trường thì người sản xuất, doanh nghiệp, địa phương không thể trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
PV: Rau quả, trái cây là một trong những mặt hàng còn nhiều dư địa để phát triển, vậy Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với bộ, ngành liên quan như thế nào để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu rau quả nói riêng và nông sản nói chung?
-Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa ra những chỉ đạo sát sao cho các đơn vị trực thuộc Bộ; triển khai đồng bộ các giải pháp có hiệu quả để phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả theo hướng bền vững. Trong đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung nghiên cứu thị trường, đưa ra những quy hoạch trong sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo khung khổ pháp lý để hỗ trợ, đề xuất với Chính phủ các cơ chế hỗ trợ về tín dụng, lãi suất, cũng như các cơ chế đặc thù giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nhằm tạo thuận lợi nhất cho công tác xuất khẩu, mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp cũng như người dân tham gia trong lĩnh vực rau quả và trái cây. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp, nghiên cứu, xây dựng các đề án thí điểm cung cấp thông tin, nhằm cung cấp cho các lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương, đặc biệt các các thông tin về thị trường của những nhóm hàng trọng điểm.
– Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()