Tránh sập bẫy lừa đảo qua xuất khẩu lao động
Theo Bộ Công an, vài năm trở lại đây, hoạt động của tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động đã giảm tính chất phức tạp, do công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, cùng những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt của cơ quan công an. Tuy nhiên mỗi năm, người dân ở nhiều tỉnh, thành phố bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng bởi loại tội phạm này. |
Ngày 5-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ô Môn (TP Cần Thơ) bắt giữ đối tượng Nguyễn Thanh Hải (53 tuổi, ngụ xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Công an quận Ô Môn nhận tin báo của người dân trên địa bàn về việc xuất hiện đối tượng tên Hải, giới thiệu có quan hệ rộng và có khả năng làm thủ tục xuất cảnh sang Hàn Quốc lao động với mức thu nhập từ 1.000 đến 2.000 USD/tháng; đối tượng “ra giá” chi phí 70 triệu đồng/trường hợp. Tin lời đối tượng này, nhiều nạn nhân đã “sập bẫy”, mất tiền mà không thể sang Hàn Quốc lao động như quảng cáo. Tại cơ quan điều tra, Hải khai nhận, do không có tiền tiêu xài, lợi dụng lòng tin của nhiều người, Hải giới thiệu mình quen biết rộng và có khả năng làm thủ tục xuất cảnh sang Hàn Quốc lao động với mức thu nhập cao. Chi phí sang Hàn Quốc làm việc là 70 triệu đồng/trường hợp và Hải nhận trước 35 triệu đồng. Vào khoảng giữa năm 2015 đến năm 2016, với thủ đoạn nêu trên, Hải đã lừa 33 người ở khắp các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… Tổng số tiền Hải chiếm đoạt gần 700 triệu đồng. Tại địa bàn Hà Nội, đầu tháng 1-2018, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP Hà Nội) vừa thi hành lệnh bắt, tạm giam đối với Giáp Văn Hạnh (SN 1978, quê Bắc Giang), là Giám đốc Công ty cổ phần Xuất, nhập khẩu tổng hợp và Phát triển trang trại Việt Nam, để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thượng tá Mai Trọng Thắng, Phó Trưởng phòng PC46 cho biết, trong thời gian từ ngày 6-3 đến 27-12-2017, cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn của một số người dân tố cáo Giáp Văn Hạnh có hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động, chiếm đoạt tiền với số lượng lớn. Theo đơn tố cáo bà N.T. H. (trú ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), nghe Giáp Văn Hạnh tự nhận có khả năng đưa người đi du nghiệp (dạng vừa học vừa làm) tại Australia, lại thấy Hạnh có công ty cho nên bà H. tin tưởng, đại diện sáu người lao động chuyển hồ sơ và số tiền 88.000 USD cho Hạnh. Tuy nhiên, đến nay, Hạnh chưa thực hiện được việc đưa người đi làm việc tại Australia như đã hứa hẹn và mới chỉ trả lại 40.000 USD, số tiền còn lại Hạnh chiếm đoạt. Một trường hợp khác, anh Nguyễn Văn N. ở Hải Phòng tố cáo đối tượng Hạnh hứa hẹn đưa anh đi sang Australia du nghiệp. Anh N. đã phải nộp cho Hạnh 15 triệu đồng và 4.000 USD cùng hồ sơ gồm rất nhiều giấy tờ bản gốc như Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, học bạ, Bằng tốt nghiệp cao đẳng và hộ chiếu, tuy nhiên, anh N. cũng không được đưa đi như cam kết. Trước những chứng cứ xác thực, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã cắt cử cán bộ tới xác minh tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) xác định công ty do Giáp Văn Hạnh làm giám đốc không được cấp phép tuyển dụng người đi Australia và Tây Ban Nha. Theo cơ quan công an, những vụ việc nêu trên xảy ra tại nhiều địa bàn trên cả nước. Đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu trò đánh vào tâm lý muốn được đi nhanh, tiền lương cao của người dân lao động để lừa đảo. Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm trên mạng in-tơ-nét có thể thấy vô số thông tin “tuyển dụng xuất khẩu lao động” quảng cáo việc đưa người đi xuất khẩu lao động, nhưng những thông tin này rất khó để phân biệt thật – giả. Bởi vậy, người dân khi có nhu cầu xuất khẩu lao động cần tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi quyết định. Tuyệt đối không đưa tiền, nộp tiền cho những đối tượng chỉ hứa hẹn mà không có cơ sở pháp lý. Cách nhận diện những công ty có chức năng xuất khẩu lao động là họ có giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền cấp như Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Kế hoạch và Đầu tư… Có trụ sở, văn phòng công ty, treo biển hiệu đàng hoàng. Để tránh mất tiền oan, trước khi nộp tiền, người dân cần kiểm tra thêm một số trường hợp đã được công ty đó đưa đi xuất khẩu lao động thành công. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()