Dân số thế giới tăng nhanh, đồng thời do biến đổi khí hậu, hạn hán và sa mạc hóa ngày càng lan rộng, nguồn tài nguyên nước sẽ dần trở nên khan hiếm và đây sẽ là nguyên nhân làm bùng phát các cuộc chiến tranh trong tương lai. Đó là nhận định của các chuyên gia Viện Nghiên cứu nguồn tài nguyên nước quốc tế (SIWI) ở Xtốc-khôm, Thụy Điển.Cách đây 20 năm, một nhà hoạch định quân sự I-xra-en đã tự hỏi liệu có phải do tranh giành nguồn nước ngọt sinh hoạt là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Li-băng năm 1982 hay không và tại sao vì nguồn nước mà người ta bị xô đẩy tới chiến tranh? Trong khi đó, với số tiền chi phí cho một tuần chiến tranh Li-băng người ta có thể xây dựng năm nhà máy sản xuất nước sinh hoạt bằng phương pháp khử muối nước biển. Từ cuối thiên niên kỷ trước, các nước đã gây chiến tranh vì các tài nguyên quý hiếm như vàng, dầu khí và kim cương. Nguồn tài nguyên nước chỉ là một lý do nhỏ để nổ ra chiến tranh, nhưng điều...
Dân số thế giới tăng nhanh, đồng thời do biến đổi khí hậu, hạn hán và sa mạc hóa ngày càng lan rộng, nguồn tài nguyên nước sẽ dần trở nên khan hiếm và đây sẽ là nguyên nhân làm bùng phát các cuộc chiến tranh trong tương lai. Đó là nhận định của các chuyên gia Viện Nghiên cứu nguồn tài nguyên nước quốc tế (SIWI) ở Xtốc-khôm, Thụy Điển.
Cách đây 20 năm, một nhà hoạch định quân sự I-xra-en đã tự hỏi liệu có phải do tranh giành nguồn nước ngọt sinh hoạt là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Li-băng năm 1982 hay không và tại sao vì nguồn nước mà người ta bị xô đẩy tới chiến tranh? Trong khi đó, với số tiền chi phí cho một tuần chiến tranh Li-băng người ta có thể xây dựng năm nhà máy sản xuất nước sinh hoạt bằng phương pháp khử muối nước biển. Từ cuối thiên niên kỷ trước, các nước đã gây chiến tranh vì các tài nguyên quý hiếm như vàng, dầu khí và kim cương. Nguồn tài nguyên nước chỉ là một lý do nhỏ để nổ ra chiến tranh, nhưng điều đó không lâu nữa sẽ thay đổi. Đầu năm nay, một tài liệu nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định rằng, trong thời gian trung hạn, nguy cơ chiến tranh giành nguồn nước sẽ tăng lên. Nguyên nhân dẫn đến nguy cơ này trước hết là do hai yếu tố: số dân thế giới tăng nhanh và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với thiên nhiên và con người. LHQ ước tính số dân thế giới sẽ tăng từ bảy tỷ hiện nay lên chín tỷ người vào năm 2040. Do đó, trữ lượng nước ngọt sinh hoạt trên Trái đất chỉ còn đáp ứng được 70% nhu cầu. Nhiều khu vực tập trung dân cư đông đúc sẽ trở nên khan hiếm nước sinh hoạt.
Theo ông A.Suên, nhà nghiên cứu xung đột thuộc Trường đại học Up-sa-la của Thụy Điển, nguy cơ chiến tranh giành nguồn tài nguyên nước đã tăng lên trong những năm gần đây và trước hết ở khu vực Trung Đông và Nam Á. Từ hàng chục năm qua, I-xra-en luôn tranh giành với các quốc gia láng giềng và Pa-le-xtin về nguồn nước ngọt ở lưu vực sông Gioóc-đan. Mặc dù việc sử dụng nguồn nước ngọt ở đây đã được quy định chính thức trong Hiệp ước Hòa bình Ô-xlô năm 1994, nhưng các bên đã cáo buộc nhau là dùng quá nhiều. Tuy nhiên, nguy cơ xung đột lớn nhất trong khu vực nằm ở dòng lưỡng hà Ơ-phrết và Ti-grít. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch sẽ xây dựng 22 đập ngăn thủy lợi ở khu vực đông nam nước này để tưới tiêu và sản xuất điện, chín đập trong số đó đã hoàn thiện. Các đập của Thổ Nhĩ Kỳ đã hạn chế mạnh dòng chảy của sông Ơ-phrết và Ti-grít. I-rắc nằm ở hạ lưu không hài lòng với việc này, nhưng do các vấn đề chính trị nội bộ bất ổn, cho đến nay I-rắc chưa đưa ra bất kỳ sự phản đối mạnh mẽ nào, nhưng không lâu nữa tình hình ở Bát-đa ổn định trở lại thì cuộc xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rất dễ xảy ra.
Tình hình dòng sông Nin cũng tương tự. Ê-ti-ô-pi-a bị hạn hán thường xuyên cho nên mới đây lần đầu đã khởi công một dự án thủy lợi trên sông Nin. Trong quá khứ, chính quyền Ai Cập luôn đe dọa chiến tranh đối với những nước như vậy. Bất cứ hành động nào ngăn cản dòng chảy sông Nin đều đẩy Ai Cập tới đối đầu để bảo vệ quyền lợi và đời sống của người dân nước này. Chừng nào Cai-rô còn bận rộn với các vấn đề chính trị nội bộ thì A-đi A-bê-ba không cần phải bận tâm. Nhưng khi cuộc đấu tranh giành quyền lực ở Ai Cập chấm dứt thì tranh cãi giữa Cai-rô và A-đi A-bê-ba chắc chắn sẽ leo thang, bởi 30% số dân Ai Cập sống bằng nông nghiệp, không có nước sông Nin thì họ sẽ không thể canh tác.
Ngành nông nghiệp của Pa-ki-xtan cũng phụ thuộc vào con sông duy nhất là In-đút. Do vậy, chính quyền I-xla-ma-bát bằng mọi cách ngăn chặn Ấn Độ xây dựng đập thủy điện ở thượng lưu, nhưng cho đến nay đều bất thành. Trước hết là đập thủy điện Ba-gli-ha đang được xây dựng và gây ra sự tức giận của Pa-ki-xtan. Những kẻ khủng bố Hồi giáo đe dọa đánh bom công trình này.
Cách đây hai năm, kẻ cực đoan Áp-đu Rê-man Mác-ki cảnh báo y sẽ biến In-đút thành dòng sông đầy máu, nếu Ấn Độ phong tỏa dòng chảy sông này. Nhà nghiên cứu xung đột quốc tế, ông Suên cho rằng “rất khó để dự đoán khi nào có thể sẽ bùng nổ cuộc chiến tranh giành tài nguyên nguồn nước”, nhưng có ý kiến trên báo “Nawa-i-Waqt” của Pa-ki-xtan lo sợ “điều đó sẽ không còn lâu nữa” và Pa-ki-xtan muốn nói rõ cho Ấn Độ hiểu rằng “một cuộc chiến tranh giành nguồn nước là rất có thể xảy ra và lần này sẽ là chiến tranh hạt nhân”.
Trong khi đó, Ấn Độ lại rất lo ngại khi nước láng giềng Trung Quốc trong khuôn khổ kế hoạch năm năm hiện nay đang theo đuổi chương trình xây dựng các công trình đập thủy điện lớn nhất trên các dòng sông chảy qua lãnh thổ nước này để bảo đảm cung cấp điện cho quá trình phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh. “Cơn khát” nguồn nước các dòng sông ngày càng tăng lên đang là một vấn đề lớn của Trung Quốc. Người Trung Quốc chiếm 20% số dân thế giới, nhưng chỉ sở hữu 8% nguồn nước ngọt sinh hoạt. Ấn Độ cũng nhận thấy những nguy cơ thiệt hại lớn về việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nước này đang tăng nhanh khi Trung Quốc xây đập thủy điện trên sông Bra-ma-pu-tra.
Đối với Ăng-gô-la, sau khi nội chiến chấm dứt năm 2004, nước này đã bắt đầu thực hiện kế hoạch xây đập thủy điện và các dự án cung cấp nước. Ông An-tôn Ơ-le làm việc nhiều năm tại một Ủy ban tư vấn cho các nước thuộc lưu vực sông Ô-ka-van-gô tại Nam Phi trong việc phân phối nguồn nước từ dòng sông này, nói: “Điều này khiến quốc gia Bốt-xoa-na ở hạ lưu rất lo sợ và một bộ phận lớn dân chúng nước này đòi ném bom Ăng-gô-la”. Nhưng thay cho chiến tranh, các quốc gia lưu vực sông Ô-ka-van-gô trong khuôn khổ một tổ chức chung đã hợp tác với nhau. Ăng-gô-la đã từ bỏ kế hoạch xây dựng đập thủy điện mà không tham khảo ý kiến các quốc gia liên quan và thay vào đó là một nghiên cứu khả thi xuyên quốc gia. Ông Ơ-le cho rằng, đây là một sự hợp tác hiệu quả. Tuy nhiên, khuôn mẫu tích cực này là rất hiếm, trong khi trên thế giới tất cả những trường hợp như thế thường nảy sinh mâu thuẫn rất căng thẳng và ngày càng tăng. Cho nên không ngạc nhiên khi tài liệu nghiên cứu về các dòng sông Nin, Bra-ma-pu-tra… đều cho rằng, trong bối cảnh tài nguyên nước ngọt trở nên khan hiếm và nhu cầu lại ngày một tăng, điều này sẽ trở thành nguyên nhân dẫn đến xung đột, chiến tranh giữa các quốc gia và ngày càng nổi lên, trở thành vấn đề quốc tế căng thẳng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()