Tránh đẩy người chăn nuôi vào tình huống “khó chồng thêm khó”
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 23/2, 17 tỉnh có dịch cúm gia cầm H5N1, với 53 ổ dịch tại 85 hộ chăn nuôi, 55.483 con mắc bệnh. Diễn biến phức tạp của dịch cúm đã và đang gây ra thiệt hại đáng kể với người chăn nuôi gia cầm trong nước và những hoạt động sản xuất – kinh doanh liên quan tới gia cầm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, chỉ trong gần 2 tháng đầu năm 2014, số gia cầm mắc cúm H5N1 và bị tiêu hủy đã tương đương cả năm 2013. Dù có quy định hỗ trợ gia cầm bị cúm H5N1 là 70% giá thị trường, nhưng nhiều địa phương khi công bố dịch vẫn không đồng thời công bố cho người chăn nuôi về chính sách hỗ trợ, khiến tình trạng người nuôi vứt gia cầm chết ra mương máng, các khu vực công cộng dẫn tới nguy cơ lây nhiễm dịch ra các đàn gia cầm khác và lây dịch sang người.
Cùng với nỗi lo về dịch cúm diễn biến phức tạp, người chăn nuôi còn lo giá gia cầm giảm (Ảnh minh họa: K.D) |
Ghi nhận ở một số chợ tại Hà Nội, sau khi thông tin về dịch cúm được công bố, sức mua các mặt hàng về gia cầm bị giảm sút khá cao. Ở nhiều cửa hàng, gà lông bình thường có thể tiêu thụ tới hàng chục, hàng trăm con nhưng hiện tiêu thụ khá chậm. Những hàng gà bán ở các chợ nhỏ quanh các khu dân cư ở Hà Nội cũng vắng mặt vì lực lượng thị trường và trị an dân cư đi kiểm tra thường xuyên, không có giấy phép sẽ bị xử phạt.
Nhiều chủ doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh gia cầm và trứng gia cầm cho biết, hiện nay dịch cúm gia cầm chỉ xảy ra ở các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ do không thực hiện đúng quy trình như quy định. Các trang trại của doanh nghiệp lớn đều có giấy chứng nhận trại an toàn dịch do Cục Thú y cấp. Do đó, điều quan trọng là phải tuyên truyền để người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm an toàn, những sản phẩm có thương hiệu uy tín yên tâm sử dụng. Nếu không thông tin rõ ràng, người tiêu dùng né sử dụng thì không chỉ doanh nghiệp mà ngành chăn nuôi sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Có thể thấy, cùng với nỗi lo do dịch cúm diễn biến phức tạp, bà con nông dân còn lo giá gia cầm đang giảm từng ngày. Bán không được vì sức mua giảm, cộng với thương lái ép giá… càng làm cho người chăn nuôi lao đao. Cộng với việc xiết chặt đầu ra ở các vùng có dịch, sự tràn lan của gia cầm nhập lậu, nhập tiểu ngạch giá rẻ càng khiến cho người chăn nuôi bỏ chuồng, trại.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, hiện giá các sản phẩm gia cầm đang tiếp tục giảm (khoảng 20%). Gà lông màu chỉ còn 35.000 – 39.000 đồng/kg, gà công nghiệp 25.000 – 29.000 đồng/kg. Các sản phẩm gia cầm như trứng gà công nghiệp giảm mạnh chỉ còn 12.000 – 15.000 đồng/chục, con giống gia cầm giảm tới 70% chỉ còn 2.000 – 2.500 đồng/con.
Thông tin về cúm gia cầm đang có tác động tiêu cực đến giá cả và lượng tiêu thụ, khiến người chăn nuôi đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Vẫn phải đầu tư thức ăn và chi phí chăm sóc, phòng chống dịch bệnh song giá trứng gà loại 1 cũng chỉ xuất được ở mức 1.000 – 1.200 đồng/quả, còn loại thường chỉ từ 800 – 1.000 đồng/quả (giảm từ 500 – 1.000 đồng/quả so với tháng trước), như vậy là người chăn nuôi đang lỗ nặng. Ông Nguyễn Đình Vũ, Hoài Đức, Hà Nội cho biết, bình quân mỗi vụ, gia đình cũng nuôi 200-300 con gà. Nhưng thời điểm hiện nay, đang có dịch, gà tiêu thụ chậm trong khi chi phí thuốc men, thức ăn vẫn duy trì đều nên gia đình không nuôi vì tính ra thì bị lỗ. Ông Vũ kể: giá gà giống dao động 10.000-15.000 đồng/con, thức ăn và thuốc men bình quân 35.000 đồng/con. Để có lãi, phải bán được 65.000-70.000đồng/kg. Hiện, chỉ bán được 35.000-40.000đồng/kg thì chả còn lời lãi gì.
Tại chợ Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), gà công nghiệp bán cả con có giá khoảng 60.000 đồng/kg, cánh và đùi được bán ở mức 70.000 đồng/kg. Các loại gà lông như gà ta thả vườn có giá ổn định từ 100.000-120.000 đồng/kg. Tại chợ Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội), trứng gà đỏ vẫn được bán ở mức 22.000-25.000 đồng/chục quả; trứng gà ta, trứng vịt 25.000 -28.000 đồng/chục quả. Chợ Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội) giá trứng gà, trứng vịt vẫn dao động 25.000 -30.000 đồng/chục tùy loại.
Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ cửa hàng chuyên bán thịt gà tại chợ Đình Thôn (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện giá gà nơi cửa hàng lấy vẫn ổn định, không có dấu hiệu giảm hay tăng. Giá cửa hàng bán ra với gà công nghiệp dao động từ 65.000-70.000đồng/kg, với gà ta là 100.000-115.000 đồng/kg. Bà Lò Kim Duyên, quản lý một cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội cho hay, hiện giá gà cơ sở nhận lấy để làm thức ăn cho các bé học sinh vẫn giữ nguyên, 65.000 đồng/kg. So sánh giữa giá tiêu thụ tới tay người tiêu dùng và giá xuất chuồng như đã thống kê ở trên thấy chênh lệnh quá nhiều. Điều này cho thấy, có hiện tượng thương lái ép giá với người chăn nuôi. Tình hình này cùng với thực tế suốt thời gian qua, càng chỉ rõ, năm nào cũng có dịch cúm gia cầm bùng phát và cũng chỉ có người chăn nuôi là phải chịu thiệt hại đầu tiên.
Bởi vậy, ngay từ mùa dịch đầu năm 2014 này, Bộ NN&PTNT cũng đã nhấn mạnh, sẽ tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu đúng, đủ về cúm nhưng không gây tâm lý hoang mang, tránh tình trạng dân “tẩy chay” gia cầm và các sản phẩm gia cầm, đẩy người chăn nuôi vào tình huống “khó chồng thêm khó”.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()