Trong bản tin lúc 20 giờ trên kênh truyền hình TF1 ngày 15-2, Tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy đã công bố chính thức ra tranh cử tổng thống năm 2012 với tư cách ứng cử viên của đảng cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) thuộc cánh hữu. Tuyên bố của Tổng thống Nicolas Sarkozy đưa ra hơn hai tháng trước khi diễn ra vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012.
Tại cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh TF1, Tổng thống Nicolas Sarkozy nhấn mạnh rằng ông còn có nhiều điều muốn nói với cử tri Pháp và cho rằng đã học được cách tránh những sai lầm trong quá trình điều hành đất nước. Với ông, một nhiệm kỳ năm năm chưa đủ để áp dụng các chương trình cải cách.
Ông Nicolas Sarkozy cho rằng, với vai trò là thuyền trưởng của con tàu nước Pháp đang lâm vào tình cảnh khó khăn, việc bỏ rơi con tàu đó vào thời điểm khó khăn như hiện nay sẽ không đúng với bổn phận. Vì vậy, ông quyết định ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai để dẫn dắt con tàu nước Pháp hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
Với khẩu hiệu “Vì một nước Pháp mạnh”, Tổng thống Nicolas Sarkozy nhấn mạnh, cần phải tiếp tục tiến hành các cuộc cải cách để xây dựng một nước Pháp mạnh hơn. “Người dân Pháp sẽ được hưởng lợi khi nước Pháp trở nên mạnh hơn”, ông Nicolas Sarkozy cam kết.
Trên cương vị ứng cử viên của cuộc tranh cử tổng thống Pháp năm 2012, ông Nicolas Sarkozy đưa ra các giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn và nhạy cảm như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, vấn đề nhập cư, tình trạng an ninh ngày càng bất ổn bằng cách tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý nếu ông tái đắc cử. “Bằng cách đó, người dân Pháp sẽ có cơ hội thể hiện chính kiến của mình nhiều hơn”, ông Nicolas Sarkozy đề xuất.
Việc tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy ra tranh cử nhiệm kỳ hai diễn ra vào thời điểm các kết quả công bố cho thấy nền kinh tế Pháp đang gặp nhiều khó khăn.
Thông báo của Viện thống kê quốc gia Pháp đưa ra ngày 15-2 cho thấy tăng trưởng quý 4-2011 chỉ đạt 0,2% và đạt mức tăng trưởng trung bình cả năm là 1,7%. Kết quả này nếu đem so sánh với các nước đang gặp nhiều khó khăn như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Italy có thể đáng tự hào khi Hy Lạp rơi vào suy thoái với tốc độ tăng trưởng âm 7% trong năm 2011, Bồ Đào Nha âm 1,5%, còn nước láng giềng Italy đã tuyên bố không tham gia cuộc đua đăng cai Olympic 2020 vì không đủ tiềm lực tài chính để chi tiêu cho các khoản xây dựng và chi phí tổ chức tốn kém trong khi nền kinh tế đang suy thoái. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước Đức, đầu tàu kinh tế khu vực EU, là 3,% trong năm 2011, tốc độ tăng trưởng của Pháp vẫn còn thấp.
Điểm lại kết quả nhiệm kỳ năm năm của tổng thống Nicolas Sarkozy, con số dễ nhận thấy nhất là tỷ lệ thất nghiệp cao tới 9,3%. Hơn 5 triệu người Pháp thất nghiệp là hệ quả của chính sách đóng cửa các nhà máy dưới thời Tổng thống Sarkozy.
Trước tình trạng nợ công của Pháp ở mức cao, thâm hụt ngân sách tăng và tỷ lệ thất nghiệp tràn lan, hãng đánh giá mức độ tín nhiệm Standard & Poor của Mỹ đã giảm mức độ tín nhiệm của Pháp hồi đầu tháng 1-2012 từ mức AAA xuống AA . Đây là động thái cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế Pháp có vấn đề.
Việc Standard & Poor đánh tụt chỉ số tín nhiệm của nền kinh tế Pháp cũng là cú sốc đối với chính phủ của tổng thống Nicolas Sarkozy bởi ông luôn coi mức độ tín nhiệm AAA là bảo bối và giá trị của nước Pháp, do đó phải quyết tâm giữ chỉ số tín nhiệm AAA bằng bất cứ giá nào.
Nay chỉ số AAA đã bị mất và việc một hãng đánh giá tín nhiệm khác của Mỹ là Moody’s cũng vừa đe dọa ngày 14-2 sẽ có thể đánh tụt mức độ tín nhiệm của nền kinh tế Pháp tiếp tục là một tin chẳng lành đối với khả năng lãnh đạo đất nước của đảng cầm quyền UMP và bản thân ứng cử viên Nicolas Sarkozy.
Thất nghiệp tràn lan, tình trạnh an ninh bất ổn gia tăng dẫn tới tỷ lệ người dân Pháp ủng hộ tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy giảm mạnh trong nhiệm kỳ của ông. Nếu năm 2007, ông Nicolas Sarkozy được bầu với tỷ lệ người dân Pháp ủng hộ là 63% thì vào cuối nhiệm kỳ, số cử tri còn đặt niềm tin vào ông chỉ còn 29%. Như vậy, trong năm năm, con số cử tri đặt hy vọng vào chương trình hành động đầy quyết tâm và tham vọng của Tổng thống Nicolas Sarkozy đã giảm hơn một nửa.
Nhận xét về kết quả nhiệm kỳ của ông Nicolas Sarkozy, ứng cử viên Mặt trận quốc gia (FN) thuộc cánh hữu Marine Le Pen cho rằng những kết quả kém cỏi của một nhiệm kỳ của ông Sarkozy xứng đáng một thẻ đỏ. Với bà Marine Le Pen, cuộc chơi trên chính trường Pháp của ông Sarkozy đã kết thúc bởi khả năng trình diễn nghèo nàn của ứng cử viên đảng UMP. Còn ứng cử viên Francois Bayrou của đảng Phong trào dân chủ (Modem) thuộc phái trung hữu chỉ trích cuộc trả lời phỏng vấn của Tổng thống Nicolas Sarkozy trên truyền hình tối ngày 15-2 chỉ là những từ, những câu nói, những thí dụ cũ được nhắc đi nhắc lại mà cử tri Pháp đã nghe từ nhiều tháng qua.
Ông Francois Bayrou lấy lại thí dụ từ “thuyền trưởng” mà ông Nicolas Sarkozy đã sử dụng để chính thức hóa vai trò ứng cử viên tổng thống của mình bằng nhận xét rằng “một khi người thuyền trưởng dẫn dắt con tàu tới tình trạng như hiện nay là va vào đá ngầm, thì phải thay người thuyền trưởng đó”.
Đánh giá về tuyên bố ứng cử của ông Nicolas Sarkozy, ứng cử viên Francois Hollande của đảng Xã hội (PS), người hiện đang đứng đầu danh sách các ửng cử viên được yêu thích nhất trong các cuộc thăm dò dư luận cho rằng: Việc ông Nicolas ra tranh cử tổng thống không ảnh hưởng nhiều tới chiến dịch tranh cử của ông. Nhận xét về kết quả nhiệm kỳ của Tổng thống Nicolas Sarkozy, ứng cử viên Francois Holland cho rằng ông Nicolas Sarkozy đã biết rằng có thể tránh những lỗi lầm trong suốt quá trình năm năm điều hành đất nước nhưng ông Nicolas Sarkozy lại phạm tất cả những sai lầm đó.
Quỹ thời gian cho Tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy lấy lại hình ảnh của một vị tổng thống năng động, có tài hùng biện chỉ còn chưa đầy 10 tuần. Thời gian ấy liệu có đủ để lấy lại niềm tin của cử tri Pháp và gieo vào lòng những cử tri đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu những hy vọng mới vào một tương lai tốt đẹp hơn dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Nicolas Sarkozy hay không? Câu trả lời ấy, cử tri Pháp sẽ đưa ra sau 10 tuần nữa.
Ý kiến ()