Tranh cổ động phát huy vai trò xung kích
Tranh của tác giả Đỗ Như Điềm (Thái Bình).
Vừa qua, hưởng ứng lời mời sáng tác để cổ động, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), từ ngày 10 đến 15-3, đã có 103 bức tranh của 23 họa sĩ gửi tham dự. Theo Cục Văn hóa cơ sở, các họa sĩ được mời đều là những người có kinh nghiệm trong sáng tác tranh cổ động. Các tác phẩm thể hiện những thông điệp ngắn gọn, khúc chiết, dễ nhớ kèm theo tạo hình ấn tượng; tác động mạnh đến người xem. Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 14 tác phẩm có chất lượng để tuyên truyền; trên cơ sở đó, Cục Văn hóa cơ sở tổ chức ấn hành 4 mẫu, 1.000 đĩa tranh gửi các địa phương trên cả nước để UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức treo, dán ở nơi công cộng, điểm sinh hoạt cộng đồng,… nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tới nhân dân. Họa sĩ Đỗ Trung Kiên đóng góp hàng chục bức tranh cổ động có phong cách, hình thức thể hiện khác nhau với mong muốn tuyên truyền giúp người dân nhận thức tầm quan trọng của việc phòng, chống, tránh để dịch bùng phát. Họa sĩ Lưu Yên Thế cho biết, dù gặp khó khăn về thời gian để nuôi dưỡng, tư duy ý tưởng sáng tác, nhưng mặt khác, bối cảnh này lại có nhiều chất liệu thực tế để có thể khai thác. Ông tham gia với hai bức tranh với thông điệp gần gũi, thiết thực: “Sốt, ho, khó thở, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám, chữa bệnh” và “Đeo khẩu trang thường xuyên và đúng cách để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả”, được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao về hiệu quả tuyên truyền và chất lượng nghệ thuật. Theo ông, khác với nhiều cuộc thi trước, ở lần sáng tác này các nghệ sĩ không có tâm lý hơn thua mà cao nhất là ý thức trách nhiệm, muốn dồn cả tâm sức để có thể cho ra đời những tác phẩm có tiếng nói thuyết phục.
Không chỉ ở cuộc vận động này, nhiều họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên ở mọi lứa tuổi trong cả nước cũng nhiệt tình sáng tác tranh cổ động tham gia vào phong trào chung. Hình ảnh các y sĩ, bác sĩ mặc đồ bảo hộ không quản ngày đêm chữa bệnh đã thôi thúc thầy giáo mỹ thuật Trần Minh Lý (62 tuổi, Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP Hồ Chí Minh) vẽ tranh cổ động tiếp thêm tinh thần, tri ân đội ngũ trên tuyến đầu chống dịch. Hai bức tranh cỡ lớn với tựa đề “Thương cô y, ghét cô vy” và “Chung tay phòng chống dịch Covid-19” đều khắc họa lại hình ảnh của những người làm trong ngành y mang bộ đồ bảo hộ kín mít, nhưng ánh mắt vẫn toát lên tinh thần lạc quan, sự quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Họa sĩ trẻ Phan Tuấn Ngọc (TP Ninh Bình) tỉnh Ninh Bình, đã sáng tác loạt tranh chủ đề “Hãy ở nhà” nhằm nhắc nhở mọi người thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sức lan tỏa của tranh cổ động còn thể hiện ở cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi “Bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh Covid-19” dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 do Hội đồng Đội T.Ư phát động, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh cả nước với hơn 1.000 bức tranh mang nhiều nội dung phong phú, đa dạng về hoạt động phòng, chống dịch bệnh và ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân…
Một sự kiện đáng chú ý, là vào đầu tháng 4 này, báo The Guardian (Anh) và Hãng thông tấn DPA (Đức) đã nhắc tới poster của họa sĩ trẻ Lê Đức Hiệp (TP Hồ Chí Minh) có tên “Ở nhà là yêu nước”, như một sự thành công của ngôn ngữ đồ họa trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch. Lê Đức Hiệp có 12 năm làm thiết kế đồ họa, thiết kế hàng trăm poster, nhưng bức tranh về phòng, chống dịch Covid-19 là một kỷ niệm đáng nhớ. “Ở nhà là yêu nước” được làm theo phong cách cổ động, mang hơi hướng hoài cổ, lấy cảm hứng từ những áp-phích tuyên truyền thời chiến. Mong muốn đóng góp công sức vào các hoạt động thiện nguyện, Lê Đức Hiệp đã đăng bài mở bán poster in trên khổ giấy A2 với mức giá 300.000 đồng/bức. Số tiền thu được 16 triệu đồng được họa sĩ dành toàn bộ để mua 1,2 tấn gạo, ủng hộ chương trình ATM gạo tại Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Có thể thấy, dù trong chiến tranh hay hòa bình, đổi mới, mỗi khi có sự kiện lịch sử lớn hay vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước và dân tộc, tranh cổ động luôn kịp thời có mặt. Tranh cổ động có ưu thế là có thể sáng tác nhanh trong một thời gian ngắn, mang tính khái quát cao, dễ hiểu, dễ nhớ với ngôn ngữ tạo hình ấn tượng; khẩu hiệu cô đọng, súc tích; có tính biểu tượng, cổ động, cổ vũ… Vì thế, loại tranh này đã góp phần truyền tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; trở thành vũ khí sắc bén, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, hành động; cổ vũ quần chúng nhân dân hoàn thành nhiệm vụ. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn khẳng định: Mỗi khi cần tiếng nói để huy động sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân, các họa sĩ tranh cổ động Việt Nam đều có mặt; thể hiện trách nhiệm, sứ mệnh lớn lao đối với đất nước. Hội Mỹ thuật Việt Nam luôn ủng hộ, khuyến khích nghệ sĩ có những sáng tác ở loại hình này để chung tay góp sức với cộng đồng.
Ý kiến ()