Tranh cãi xung quanh vụ “cha đẻ” Telegram bị bắt giữ
Vụ Pháp bắt giữ ông Pavel Durov-nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Telegram vì đã không cho phép kiểm duyệt các nội dung trên nền tảng này, đang gây nhiều tranh cãi bởi Paris dường như đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” vì Pháp cũng như các nước phương Tây vốn rất đề cao cái gọi là giá trị của quyền tự do ngôn luận.
Các nhà điều tra Pháp đã ban hành lệnh bắt ông Durov, người mang cả quốc tịch Nga và Pháp, hôm 24-8 như một phần của cuộc điều tra các cáo buộc gian lận, buôn bán ma túy, tội phạm có tổ chức, kích động khủng bố và bắt nạt trên mạng. Ông Durov bị cáo buộc vì dường như đã không hành động để hạn chế việc sử dụng nền tảng của mình cho mục đích bất hợp pháp này.
Kênh truyền hình Pháp TF1 và BFM TV cho biết cuộc điều tra tập trung vào vấn đề thiếu hụt người kiểm duyệt trên Telegram, tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm diễn ra mà không bị ngăn chặn trên ứng dụng nhắn tin này. Tính năng mã hóa của Telegram được cho là tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm diễn ra không bị ngăn chặn trên mạng. Kênh truyền hình TF1 đưa tin ông Durov sẽ phải ra hầu tòa và có thể phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù.
Telegram thông qua mạng xã hội X ngày 26-8 đã cho rằng “thật vô lý” nếu chủ sở hữu mạng xã hội phải chịu trách nhiệm khi nền tảng bị lạm dụng. Tài khoản của Telegram trên mạng xã hội X khẳng định nền tảng này tuân thủ luật pháp châu Âu, bao gồm Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số. Công ty nhấn mạnh việc kiểm duyệt của nền tảng “nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện”. Telegram có trụ sở chính tại Dubai, nhưng công ty đã chỉ định một đại diện pháp lý tại Bỉ để quản lý việc tuân thủ luật pháp EU.
Được thành lập năm 2013, Telegram là một ứng dụng mạng xã hội và trò chuyện có độ bảo mật cao nên được nhiều nhóm sử dụng để tổ chức biểu tình và chia sẻ nội dung cực đoan. Đây là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Telegram hiện thu hút khoảng 950 triệu người dùng trên toàn cầu, theo chia sẻ của ông Durov hồi tháng 7 vừa qua. Nền tảng này đặt mục tiêu đạt 1 tỷ người dùng trong năm tới.
Vì vậy, từ năm 2014 đến 2021, ngày càng có nhiều nước giám sát Telegram và yêu cầu nền tảng này phải hợp tác để ngăn chặn các hành vi lan truyền những thông tin độc hại, cực đoan và các hoạt động bất hợp pháp. Tuy vậy, ông Durov tiếp tục từ chối kiểm duyệt và xây dựng hình ảnh mình là người ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận. Quan điểm của Durov về quyền riêng tư và việc từ chối kiểm duyệt nội dung trên Telegram đã khiến tỷ phú trở thành gương mặt gây tranh cãi. Đầu năm nay, ông nhấn mạnh cam kết của mình trong việc giữ Telegram “trung lập”.
Đáng chú ý, ông Durov liên tục từ chối giao dữ liệu người dùng cho các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo phương Tây, đồng thời từ chối cho phép họ thiết lập cái gọi là “cửa sau” vào nền tảng này có thể giám sát các cuộc trò chuyện trên ứng dụng.
Có thể thấy, vụ Pháp bắt giữ nhà sáng lập Telegram đối với những người ủng hộ tự do ngôn luận ở phương Tây là một “cú tát” vì các nước phương Tây vốn được coi là rất đề cao các giá trị này. Hành động của Chính phủ Pháp gây lo ngại không chỉ hạ thấp nước Pháp mà cả thế giới, theo ông Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Ông Snowden cáo buộc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “bắt con tin” như một cách muốn tiếp cận các giao tiếp riêng tư của người dùng.
Theo TASS, ngày 26-8, Giám đốc điều hành (CEO) nền tảng video trực tuyến Rumble, Chris Pavlovski, đã tuyên bố trên mạng xã hội X: “Pháp đã đe dọa Rumble và hiện đã vượt qua ranh giới đỏ khi bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov, được cho là vì không kiểm duyệt nội dung. Rumble sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp lý để đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận. Hiện tại chúng tôi đang đấu tranh tại tòa án Pháp và chúng tôi hy vọng Pavel Durov sẽ được trả tự do ngay lập tức”.
Vụ việc cũng đang đẩy Nga và Pháp rơi vào căng thẳng sau khi Nga phản đối vụ bắt giữ nhà sáng lập Telegram, yêu cầu Pháp hợp tác làm rõ lý do và bảo vệ quyền lợi của ông Durov, nhưng chưa nhận được phản hồi của Paris. Bất chấp sự phản đối của Nga, Cơ quan Tư pháp của Pháp đã quyết định gia hạn lệnh bắt giữ nhà sáng lập Telgram người Pháp gốc Nga này. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trước đó cho rằng vụ bắt nhà sáng lập Telegram có thể khiến chính quyền Pháp phải trả giá đắt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova ngày 25-8 đã kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế như Tổ chức Giám sát nhân quyền và Tổ chức Ân xá quốc tế gây áp lực để Pháp thả ông Durov. Trong khi đó, các nhà lập pháp Nga cho rằng, vụ việc có thể mang động cơ chính trị.
Ý kiến ()