Tranh cãi xung quanh việc Mỹ gửi đạn chùm tới Ukraine
Việc Mỹ quyết định sẽ cung cấp đạn chùm cho Ukraine đang vấp phải sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế do những lo ngại về nguy cơ khôn lường mà loại vũ khí nguy hiểm này có thể gây ra, cùng những hệ lụy của nó đối với dân thường sau xung đột.
Bất chấp các động thái trấn an dư luận về quyết định của mình, Washington vẫn vấp phải nhiều sự chỉ trích từ chính nội bộ nước Mỹ, Liên hợp quốc (LHQ) và các quốc gia trên thế giới, kể cả các đồng minh, các tổ chức nhân quyền, tổ chức nhân đạo… do nguy cơ gây sát thương quá lớn trong và sau chiến sự của các loại bom, đạn chùm. Một số nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ và các tổ chức nhân quyền tại Mỹ đã bày tỏ thái độ phản đối kịch liệt đối với quyết định mà họ cho là có liên quan tới vấn đề đạo đức. 19 hạ nghị sĩ, do nghị sĩ Dân chủ Pramila Jayapal dẫn đầu cùng ký lá thư phản đối với lý do việc này phương hại các nguyên tắc đạo đức và những nỗi đau của người dân tại Đông Nam Á trong lịch sử không cho phép Mỹ lặp lại sai lầm đó.
Trả lời đài Fox News, thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine cho biết, ông “thực sự e ngại” về quyết định gửi đạn chùm tới Ukraine của Mỹ. Ông cho rằng điều này có thể tạo tiền đề cho các quốc gia khác vượt qua công ước quốc tế cấm loại vũ khí này. Trong khi đó, trên CNN, nghị sĩ Dân chủ Barbara Lee kêu gọi Chính phủ Mỹ xem xét lại quyết định của mình và cho rằng không bao giờ nên sử dụng những vũ khí như vậy vì điều đó vượt quá giới hạn. Theo bà, Mỹ có nguy cơ mất đi “sự lãnh đạo về mặt đạo đức” khi gửi đạn chùm tới Ukraine.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đặt câu hỏi về quyết định của Washington. Ông Farhan Haq, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Guterres nói rằng LHQ phản đối sử dụng loại vũ khí này trên chiến trường.
Trên thế giới, sau quyết định của Washington, các nước Anh, Canada, New Zealand, Tây Ban Nha đã lên tiếng phản đối. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles khẳng định việc Mỹ gửi đạn chùm cho Ukraine là sai và Madrid kiên quyết phản đối việc này. Đài Truyền hình quốc gia Canada CTV dẫn thông báo của chính phủ khẳng định: “Ottawa cam kết chấm dứt ảnh hưởng của bom, đạn chùm đối với thường dân, đặc biệt là trẻ em”. Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố nước Anh không khuyến khích sử dụng loại vũ khí này.
Tại Đức, trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình ZDF, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier tiếp tục bảo vệ quan điểm phản đối việc sử dụng vũ khí gây tranh cãi này nhưng cho rằng Berlin không nên chặn Mỹ gửi đạn chùm đến Ukraine ở thời điểm hiện nay.
Lính Mỹ vác một quả đạn DPICM cỡ 155mm trong đợt diễn tập ở Hàn Quốc, năm 2016. Ảnh: US Army |
Về phần mình, trong một thông điệp đăng tải trên Telegram ngày 9-7, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã cáo buộc quyết định gửi đạn chùm cho Ukraine của Washington trên thực tế đã “thừa nhận phạm tội ác chiến tranh”. Sáng 10-7, Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lại tuyên bố này: “Trên thực tế, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby đã thừa nhận Mỹ phạm tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ông ấy đã công khai tuyên bố rằng dân thường sẽ là nạn nhân cho bom đạn chùm của Mỹ”. Trong tuyên bố, Đại sứ quán Nga cho rằng: “Nếu có bất kỳ logic nào đằng sau quyết định chuyển đạn chùm cho Ukraine thì đó là sự việc không thể tệ hơn được nữa. Mỹ sẵn sàng hủy diệt cuộc sống ở xa biên giới của họ bằng bàn tay của người Ukraine”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga mô tả quyết định này của Mỹ là “hành động thể hiện sự bế tắc”.
Trước đó, ngày 7-7, Mỹ đã công bố viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trong đó có đạn thông thường đa dụng cải tiến (DPICM)-một loại đạn chùm-vượt qua ngưỡng mới trong các loại vũ khí cung cấp cho Kiev. Theo Người phát ngôn John Kirby, Washington gửi đạn chùm cho Ukraine để bổ sung cho kho vũ khí đang cạn kiệt nhanh chóng của Kiev. Ông nói: “Chúng tôi thấy bom, đạn chùm có thể lấp vào chỗ trống trong lúc chúng tôi sản xuất đạn pháo 155mm bình thường”. Đây là một phần của gói viện trợ an ninh mới trị giá 800 triệu USD của Mỹ dành cho Ukraine. Tổng thống Joe Biden thừa nhận đây là “một quyết định khó khăn”, nhưng “Ukraine đang cạn đạn dược” và quyết định này chỉ được đưa ra sau khi Mỹ đã thảo luận với các đồng minh.
DPICM là thuật ngữ chỉ chung nhiều loại đạn pháo và rocket mang đạn con, với thiết kế tương đồng nhau. Đây là loại đạn chùm được Mỹ phát triển và chế tạo trong thập niên 1970-1990, thường dùng để chống lại tăng thiết giáp và tiêu diệt bộ binh đối phương. Trong khi bom chùm được thả từ máy bay, đạn chùm thường được phóng từ pháo hoặc rocket. Nếu không phát nổ ngay lập tức, những quả đạn nhỏ này sẽ là mối đe dọa cho thường dân hàng chục năm sau khi xung đột kết thúc.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/tranh-cai-xung-quanh-viec-my-gui-dan-chum-toi-ukraine-734089
Ý kiến ()