Trắng tay mùa thứ 7, Arsenal sẽ làm gì?
Mùa giải trắng tay thứ 7 liên tiếp chắc chắn là chủ đề chính trong cuộc họp của ban lãnh đạo Arsenal sắp diễn ra.
Theo báo chí Anh, ông chủ người Mỹ của Arsenal, Stan Kroenke đã lên lịch bay về London để chủ trì buổi họp được cho là hết sức quan trọng này. Chiến lược phát triển, các bước đi tiếp theo của đội bóng sẽ được bàn thảo tại đây.
Arsenal lần lượt bị đánh bật khỏi các đấu trường quốc nội và châu Âu. |
1. Tiếp tục ủng hộ Arsene Wenger
Đầu mùa giải năm ngoái, bất chấp tình trạng chảy máu lực lượng và thành tích bết bát trên sân cỏ (đỉnh điểm là trận Arsenal thua 2-8 trên sân MU), HLV Wenger vẫn được ban lãnh đạo đội bóng chống lưngvà cam kết ủng hộ mọi quyết sách của ông. Nguyên nhân chính là bởi chiến lược gia người Pháp ở Emirates được ví như nhà làm kinh tế tài ba. Ông cân đối việc mua bán trên thị trường chuyển nhượng và góp phần lớn đưa Arsenal trở thành một trong số các CLB hiếm hoi tại Premier League không thua lỗ.
Arsenal vẫn đang trong giai đoạn thực hiện chính sách 'thắt lưng buộc bụng' sau khi tiêu tốn quá nhiều vào việc xây SVĐ mới. Chính vì thế, ông chủ Stan Kroenke và bộ sậu vẫn chưa nghĩ nhiều tới việc thay tướng.
2. Xây dựng lại khung lương, thưởng
Arsenal sẽ tiến hành xem xét lại toàn bộ chi phí lương thưởng cho các cầu thủ hiện tại. Những cầu thủ không đảm bảo chất lượng sẽ bị loại bỏ để tiết kiệm chi phí và tăng mức đãi ngộ cho những người đóng góp lớn hơn. Việc này không hề dễ dàng bởi những cầu thủ không nằm trong kết hoạch của Wenger như Nicklas Bendtner (Cho Sunderland mượn), Manuel Almunia (cho West Ham mượn) hay Sebastien Squillaci (mới trở lại sau chấn thương) đều đang hưởng lương khá cao và lại rất khó… bán.
Để thu hút ngôi sao và tránh chảy máu lực lượng như những gì đã xảy ra mùa hè 2011, Arsenal cần có một khung lương cạnh tranh với các đội bóng lớn khác và bám sát năng lực cống hiến của cầu thủ.
Ông chủ Kroenke sẽ bay về London sớm để chủ trì cuộc họp. |
3. Nâng chất đội hình
Mô hình Arsenal đang theo đuổi rất phù hợp với bóng đá hiện đại. Tuy nhiên, đội bóng cần cân bằng giữa một bên là các cầu thủ trẻ ở dạng tiềm năng và một bên là các ngôi sao đã thành danh. Cách làm của Tottenham rất đáng để học hỏi. Ngoài các tên tuổi trẻ trung như Bale, Lennon, Kelly, Huddlestone hay Modric, HLV Harry Redknapp còn chiêu mộ nhiều ngôi sao lão luyện như Scott Parker, Van der Vaart, William Gallas và Brad Friedel. Thực tế cho thấy, Spurs đang rất thành công (hiện xếp thứ 3 Premier League).
4. Đẩy mạnh doanh thu
Đây sẽ là vấn đề then chốt giữa hai cổ đông lớn nhất Arsenal là Stan Kroenke và Ivan Gazidis. Ở xứ sương mù, doanh thu của Arsenal chỉ đứng sau MU. Thương hiệu 'pháo thủ' đang ngày càng vươn xa ra tầm châu lục và thế giới. Chiến lược xâm chiếm các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong và Nigeria sẽ được bàn thảo kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, tin vui cho các Gooners là sắp tới đội bóng sẽ đón chào nguồn thu rất lớn từ các bản hợp đồng tài trợ ký mới (sẽ hết hạng trong 1,2 năm tới). HLV Wenger chắc chắn sẽ rủng rỉnh tiền 'shopping' hơn.
5. Giảm giá vé
Mùa giải năm nay, các Gooners là những CĐV phải chịu mức vé cao nhất thế giới. Những trận cầu 'hạng A' với MU, Chelsea, Liverpool, Tottenham và Man City, trước kỷ nguyên Premier League, người hâm mộ chỉ phải trả 5 bảng – một con số nhỏ nhoi khi so với 51 bảng tại Emirates hiện nay (tăng 920%). Tệ hơn, cùng với thành tích bết bát trên sân cỏ của đội nhà, họ có cảm giác ban lãnh đạo không chịu sử dụng số tiền ấy để đầu tư vào đội hình.
Vẫn biết tiền bán vé là nguồn thu quan trọng của mỗi CLB nhưng nếu giảm giá vào thời điểm này, Arsenal có thể khiến các CĐV cảm thấy họ được tôn trọng và lắng nghe.
Ý kiến ()