Tràng Phái: Tăng thu nhập từ trồng nấm sò
(LSO) – Những năm gần đây, một số hộ dân xã Tràng Phái, huyện Văn Quan đã phát triển mô hình trồng nấm sò, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, từ đó mở ra hướng làm kinh tế mới cho người dân trên địa bàn xã.
Nhận thấy sản xuất nấm sò cho hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư ít, lại phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từ năm 2012, bà Triệu Thị Lý, thôn Còn Riềng, xã Tràng Phái đã bắt tay vào làm nấm sau khi được học qua một lớp học nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm sò tại xã. Bà Lý là hộ đầu tiên trên địa bàn xã trồng nấm sò, đem lại thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi vụ nấm.
Bà Lý cho biết: Hiện tại tôi có trên 500 bịch nấm đang cho thu hoạch, lần thu hoạch đầu tiên được 2 tạ nấm thương phẩm với giá bán 40 nghìn đồng/kg, mà mỗi bịch nấm được thu trong vòng 2 tháng nên thu nhập cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa. Mỗi năm nhà tôi sản xuất được 3 đợt nấm, bình quân mỗi đợt sau khi trừ chi phí thu được khoảng 20 triệu đồng. Tôi dự định sang năm sẽ mở rộng thêm diện tích trồng nấm để tăng sản lượng, cung cấp cho thị trường.
Người dân xã Tràng Phái trồng nấm sò cho thu nhập khá
Hằng năm, các hộ dân trồng nấm ở xã Tràng Phái bắt đầu vụ nấm từ đầu tháng 8 Dương lịch đến hết tháng 3 Dương lịch năm sau. Nguồn nguyên liệu để trồng nấm chủ yếu là bông phế thải của các nhà máy dệt, ngoài ra các hộ dân còn tận dụng được sản phẩm phụ của nhà nông như rơm, rạ để trồng nấm sò.
Theo các hộ dân trồng nấm, nghề làm nấm so với các nghề khác có ưu điểm là đảm bảo vệ sinh môi trường, vốn bỏ ra không quá cao, nấm làm ra đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người dân. Nấm làm ra sạch, không có chất kích thích hay thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các huyện: Bình Gia, Bắc Sơn, Chi Lăng và thành phố Lạng Sơn.
Chị Triệu Thị Nhớ, thôn Còn Riềng cho biết: Trồng nấm sạch nên chúng tôi luôn tuân thủ các quy trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chăm sóc và thời gian thu hái. Muốn nấm được tươi ngon thì rơm dùng làm nấm không được để ẩm mốc và phải thường xuyên theo dõi thời tiết, thời gian sinh trưởng của cây nấm để có biện pháp chăm sóc, tưới nước hợp lý.
Nhận thấy trồng nấm sò đem lại hiệu quả, cho năng suất, giá cả ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng nên từ một hộ ban đầu là gia đình bà Triệu Trị Lý, đến nay trên địa bàn xã đã có gần 20 hộ phát triển mô hình này, tập trung nhiều nhất ở thôn Còn Riềng. Nhờ chịu khó học hỏi, người dân ở đây dần nâng cao thu nhập từ loại nấm này. Hiện nay việc tiêu thụ nấm sò thương phẩm khá ổn định, với giá bán từ 35-40 nghìn đồng/kg, nhiều hộ dân đã có thu nhập khá.
Ngoài nguồn thu từ nấm thương phẩm, tạo ra sản phẩm sạch an toàn đưa đến người tiêu dùng, các hộ dân còn có thêm nguồn thu từ việc bán các bịch phôi nấm với giá 12-15 nghìn đồng/ bịch.
Ông Hoàng Văn Cao, Chủ tịch UBND xã Tràng Phái cho biết: Năm 2017, xã đã thành lập được một tổ hợp tác trồng nấm thôn Còn Riềng gồm 5 thành viên, nhằm liên kết các hộ gia đình trồng nấm với nhau để mở rộng sản xuất và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền đến các hộ dân về giá trị kinh tế từ nấm sò và nhân rộng mô hình này, kết nạp thêm thành viên vào tổ hợp tác, mở rộng quy mô sản xuất, đưa nấm trở thành một sản phẩm hàng hóa, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Cùng với đó, xã sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn mở thêm các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm để người dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ý kiến ()