Tràng Định: Vượt khó phát triển giao thông nông thôn
(LSO) – Nhu cầu đầu tư về giao thông ở khu vực vùng sâu là rất lớn nhưng nguồn vốn hạn hẹp, huy động xã hội hóa đầu tư giao thông nông thôn còn khó khăn là những trở ngại trong phát triển giao thông nông thôn huyện Tràng Định năm 2019. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân huyện, kết thúc năm 2019, công tác phát triển giao thông nông thôn nơi đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Bước sang năm 2019, nhằm tiếp tục cải thiện điều kiện hạ tầng giao thông khu vực nông thôn, huyện Tràng Định phấn đấu cứng hóa khoảng 30 km đường giao thông nông thôn từ nguồn xi măng theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Mục tiêu là vậy nhưng nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư, hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn trong năm rất hạn hẹp.
Nguồn vốn của huyện tập trung cho chương trình phát triển giao thông nông thôn chủ yếu từ nguồn theo Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐND tỉnh về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020. Nguồn này của huyện năm 2019 được bố trí khoảng 3 tỷ đồng để mua xi măng hỗ trợ nhân dân làm đường và làm thủy lợi. Kinh phí thực hiện Đề án số 109 về phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020 hầu như không còn, vì năm 2018, tỉnh hỗ trợ đầu tư cho các tuyến đường xã đã cơ bản hoàn thành trong kế hoạch thực hiện cả giai đoạn.
Cứng hóa đường trục xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 tại xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định
Để giải quyết vấn đề vốn huy động cho phát triển giao thông nông thôn; huyện Tràng Định đã rà soát nhu cầu của các xã để phân bổ xi măng theo Nghị quyết 03 và Đề án 109 (nguồn bổ sung) cho sát với thực tế bảo đảm theo thứ tự ưu tiên (ưu tiên xã điểm đạt chuẩn nông thôn mới 2019, xã đặc biệt khó khăn), gắn với áp dụng công nghệ tro bay để cứng hóa các tuyến đường trục xã. Đồng thời, huyện đàm phán với nhà cung cấp xi măng để được tạm ứng xi măng của kế hoạch năm 2020 để phân bổ cho các xã. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị thực hiện lồng ghép với các nguồn vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.
Đến cuối năm 2019, toàn huyện đã cứng hóa được 57 km đường giao thông nông thôn các loại (năm 2018, toàn huyện cứng hóa được 43 km). Trong đó, từ nguồn xi măng theo Nghị quyết 03, toàn huyện đã phân bổ hơn 3.820 tấn xi cho các đơn vị và đã cứng hóa được 32,1 km đường trục thôn, ngõ xóm (mặt đường rộng từ 1,2 đến 2 m). Một số xã thực hiện đạt cao và huy động có hiệu quả sức dân để làm đường như: Cao Minh, Chí Minh, Hùng Sơn… Riêng xã Cao Minh được hỗ trợ 230 tấn xi măng và cứng hóa được 33 tuyến đường trục thôn, ngõ xóm với chiều dài hơn 7,5 km. Nhân dân đối ứng bằng ngày công và tiền mặt để cứng hóa các tuyến đường khoảng 286 triệu đồng. Xã Chí Minh làm được 13 tuyến với chiều dài 1,5 km và 1 cầu dân sinh, nhân dân đối ứng bằng ngày công và tiền mặt trị giá hơn 200 triệu đồng.
Đối với các tuyến đường trục xã, từ nguồn đề án 109, huyện đã cứng hóa được trên 13 km đường trục xã tại các xã điểm phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2019. Từ nguồn giảm nghèo bền vững và nông thôn mới, huyện cứng hóa thêm được hơn 12km cho các xã đặc biệt khó khăn.
Có một điểm đáng chú ý là đến hết năm 2019, nguồn lực người dân đối ứng để làm đường đạt cao so với năm 2018. Cụ thể, theo tổng hợp của phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định, giá trị nguồn đối ứng của bà con trong năm 2019 bằng tiền để mua vật liệu đạt hơn 3 tỷ đồng (năm 2018, nhân dân đối ứng đạt 1,7 tỷ đồng).
Ông Hoàng Như Bách, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định, trong điều kiện khó khăn song khối lượng thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn của huyện vẫn vượt kế hoạch đề ra. Có được kết quả này, cùng với việc UBND huyện chỉ đạo sát sao, hiệu quả còn có sự vào cuộc của người dân và sự chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp. Riêng thực hiện Đề án 109, các doanh nghiệp hầu như bỏ toàn bộ vốn trước để cứng hóa các tuyến đường trục xã tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới 2019 và xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2020.
TRANG NINH
Ý kiến ()