Tràng Định: Vốn ưu đãi tiếp sức người dân vươn lên
– Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tràng Định đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của huyện.
Những ngày cuối tháng 5/2021, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình trồng quế từ nguồn vốn vay ưu đãi của gia đình ông Nông Văn Chỉ, thôn Áng Mò, xã Tân Tiến.
Ông Chỉ chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, có đất đồi rộng nhưng lại thiếu vốn sản xuất, năm 2012, được sự hướng dẫn của tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, tôi làm hồ sơ vay 30 triệu đồng của NHCSXH huyện để trồng quế. Đến năm 2017, gia đình tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng để mở rộng diện tích. Từ năm 2020, một phần cây quế của gia đình tôi đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Có vốn, tôi phát triển chăn nuôi để có thêm thu nhập, nhờ đó, hiện gia đình tôi đã thoát nghèo và yên tâm trả nợ, lãi cho ngân hàng”.
Mô hình trồng quế từ nguồn vốn vay ưu đãi của người dân xã Chi Lăng
Cũng như ông Chỉ, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình bà Nông Thị Chính, thôn Khuổi Slao, xã Chi Lăng có vốn để đầu tư phát triển mô hình sản xuất bánh nướng. Bà Chính cho biết: Gia đình tôi bắt đầu làm bánh nướng từ năm 2011, đến năm 2018, tôi có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất và được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn vay vốn NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng. Từ đó, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua máy nhào bột và mua thêm nguyên liệu, nhờ nguồn vốn ưu đãi đã giúp gia đình tôi tăng gấp đôi số lượng sản xuất so với trước đó, trung bình mỗi ngày, gia đình tôi làm được 600 đến 700 cọc bánh nướng, xuất bán đi các tỉnh, thành trong cả nước, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Bên cạnh 2 trường hợp kể trên, những năm qua, trên địa bàn huyện Tràng Định còn xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay của NHCSXH. Cùng với cho vay hộ nghèo phát triển kinh tế, nhiều chương trình cho vay ưu đãi khác như: cho vay hộ sản xuất kinh doanh; cho vay giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… cũng đem lại hiệu quả tích cực.
Theo số liệu của NHCSXH huyện, tính đến hết tháng 5/2021, tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn huyện đạt 287,2 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020 với trên 7.500 lượt hộ còn dư nợ. Trong đó, riêng 5 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã giải ngân hơn 54 tỷ đồng cho trên 1.200 lượt hộ vay vốn. Một số xã có dư nợ cao như: Đề Thám 34 tỷ đồng; Hùng Sơn 24,9 tỷ đồng; Đại Đồng 24,1 tỷ đồng…
Nguồn vốn ưu đãi đã giúp người dân phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Cụ thể, tính riêng từ năm 2020 đến nay, vốn vay ưu đãi đã giúp bà con trồng mới được trên 900 ha quế, keo, bạch đàn và cây ăn quả; xây mới, cải tạo trên 1.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đầu tư chăn nuôi trên 500 con trâu, bò…
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Để đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đơn vị đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội, chương trình mục tiêu giảm nghèo của huyện. Ngoài ra, để nguồn vốn đến đúng đối tượng, giúp các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đơn vị đã thành lập được 206 tổ tiết kiệm và vay vốn và chỉ đạo các tổ họp bình xét, công khai theo danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được UBND tỉnh phê duyệt hằng năm để giải ngân nhanh chóng, kịp thời đưa vốn vào sản xuất.
Có thể khẳng định, nguồn vốn cho vay ưu đãi đã tiếp sức nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tràng Định có điều kiện phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên, yên tâm phát triển kinh tế. Cùng với các nguồn vốn, chương trình khác của huyện, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 8,51% (năm 2020), giảm 8,99% so với năm 2018
HIỂU LAM
Ý kiến ()