Tràng Định: Triển vọng từ cây chanh leo
LSO - Với sản lượng ước tính đạt từ 50 đến 60 tấn/ha, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, mô hình trồng chanh leo của tổ hợp tác Khánh Hưng, thôn Kéo Quang, xã Chi Lăng (Tràng Định) hứa hẹn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng chanh leo của tổ hợp tác Khánh Hưng |
Vào những ngày đầu tháng 8/2016, được sự giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định, chúng tôi đến thực tế mô hình trồng chanh leo (tại thôn Kéo Quang, xã Chi Lăng). Đây là mô hình đầu tiên trồng chanh leo trên địa bàn huyện.
Từ quốc lộ 4B đoạn chân đèo Bông Lau, rẽ men theo đường đồi khoảng 1,5 km, mở ra trước mắt chúng tôi là những giàn chanh leo xanh tốt phủ khắp từ chân đồi lên đến tận đỉnh. Dưới mỗi gốc cây được trang bị hệ thống phun nước tưới tự động.
Ông Vũ Khánh Luân, tổ trưởng tổ hợp tác trồng rừng, trồng cây ăn quả Khánh Hưng, xã Chi Lăng cho biết: Tổ hợp tác được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/2/2016. Việc trồng chanh leo bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2016, đến đầu tháng 8 bắt đầu cho thu hoạch. Với diện tích gần 8 ha, hiện tại mới cho thu hoạch một phần, khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới sẽ thu hoạch rộ. Giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, nếu là quả to, đẹp (loại 1) bán được từ 28.000 đồng đến 30.000 đồng/kg.
Theo nhận định của tổ hợp tác và chuyên gia kỹ thuật, nếu thời tiết thuận lợi chanh phát triển tốt có thể cho thu từ 80 tấn đến 100 tấn quả/ha; nếu phát triển bình thường cũng cho thu từ 40 tấn đến 70 tấn quả/ha; thời gian thu quả liên tục trong năm trừ 3 tháng mùa đông. Hơn nữa, một lứa chanh cho thu quả từ 4-5 năm mới phải trồng lại lứa chanh khác. Như vậy, nếu tính sơ sơ thì với gần 8 ha cũng cho thu lên tới hàng tỷ đồng/năm. Điều này đang dần trở thành hiện thực, bởi cây chanh đã và đang phát triển, cho thu hoạch quả chất lượng tốt.
Để đảm bảo hiệu quả, tổ hợp tác đã đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình trồng chanh leo ở nhiều tỉnh như: Hòa Bình, Sơn La. Đặc biệt, tổ hợp tác đã liên kết, ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên quốc tế Nafoods (có địa chỉ tại thành phố Vinh-Nghệ An). Theo đó, công ty sẽ cung cấp cây chanh giống, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình chăm sóc, thu hoạch quả; có trách nhiệm thu mua chanh quả theo giá thị trường và cam kết mua theo giá bảo hiểm (thấp nhất là 5.000 đồng/kg).
Anh Hoàng Văn Minh, thành viên tổ hợp tác cho biết: Việc ký kết được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp là điều rất quan trọng. Bởi thực tế, nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra không có nơi tiêu thụ, giá cả rất bấp bênh, nhiều khi bị tư thương ép giá. Trước đây, khi chưa thành lập tổ hợp tác, tôi đã từng làm mô hình trồng gấc, chăn nuôi lợn nhưng do đầu ra không ổn định, không liên kết được với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm nên hiệu quả thấp.
“Thời gian tới, tổ hợp tác sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô trồng chanh leo trên địa bàn. Tuy vậy, chúng tôi mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư”- ông tổ trưởng tổ hợp tác chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Minh Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mô hình trồng chanh leo của tổ hợp tác Khánh Hưng là mô hình mới, đang phát triển tốt. Đặc biệt, việc tổ hợp tác đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho thấy triển vọng rất cao. Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư tại địa bàn theo quy định.
Bài, ảnh: Đỗ Hoạt
Ý kiến ()