Tràng Định: Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
(LSO) – Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định đã có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa (DSVH) dân tộc.
Những ngày giữa tháng 10/2020, chúng tôi may mắn có dịp được trải nghiệm và tham dự “Cuộc thi ẩm thực vịt quay Thất Khê năm 2020” được tổ chức tại thị trấn Thất Khê. Cuộc thi có sự tham gia của 10 hộ là chủ các nhà hàng, người chuyên sản xuất, kinh doanh vịt trên địa bàn huyện. Trong cuộc thi, những người tham gia đã tiến hành chế biến vịt tại chỗ, đồng thời thuyết trình, giới thiệu về bí quyết chế biến và mùi vị đặc trưng của vịt quay.
Sau khi chấm giải, du khách được mời thưởng thức thịt vịt quay miễn phí. Chị Nguyễn Thúy Hồng, người dân thành phố Lạng Sơn cho biết: “Tôi rất ấn tượng với cuộc thi này. Mặc dù vịt quay Tràng Định nổi tiếng từ lâu nhưng đến hôm nay, tôi mới được nếm và tận hưởng hết hương vị thơm ngon đặc trưng nơi đây”.
Người Dao xã Vĩnh Tiến, huyện Tràng Định truyền dạy các làn điệu páo dung cho thế hệ trẻ
Cuộc thi chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy các DSVH trên địa bàn huyện Tràng Định thời gian qua. Bà Lục Thị Phương, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, đặc biệt là các DSVH phi vật thể, chúng tôi chú trọng tham mưu UBND huyện thực hiện tốt Luật DSVH và Nghị quyết 25 ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020”. Theo đó, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới Nhân dân về nội dung liên quan đến bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức 125 cuộc biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thực hiện trên 200 tin, bài tuyên truyền về công tác bảo tồn DSVH.
Các cấp, ngành liên quan ở huyện cũng luôn quan tâm và tạo điều kiện cho việc thành lập các câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ truyền thống. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có 110 CLB, đội văn nghệ quần chúng được thành lập. Hầu hết các CLB, đội văn nghệ sau khi thành lập đều hoạt động tích cực và sôi nổi. Trong đó, CLB bảo tồn dân ca Cẩu Pung huyện Tràng Định đã tổ chức được 10 lớp truyền dạy hát then, đàn tính tại các xã và các trường học trên địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND huyện Tràng Định đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh tổ chức được 1 lớp truyền dạy hát páo dung và tổ chức 2 cuộc đưa dân ca vào chợ phiên. Cùng đó, các cấp, ngành ở huyện quan tâm đến công tác phục dựng, khuyến khích phát huy các làng nghề thủ công truyền thống phát triển như nghề làm hương, chổi rơm, đan lát, làm bánh truyền thống…
Trên địa bàn có 21 lễ hội truyền thống được tổ chức trong năm. Hằng năm, nhiều lễ hội được khôi phục mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như lễ hội: Bủng Kham (xã Đại Đồng), Báo Slao (xã Quốc Khánh)… Từ các lễ hội, nhiều phong tục truyền thống, trò diễn dân gian được khôi phục như: nghi lễ cầu cúng thần Nông, thần Thổ địa, nghi thức gieo lộc (phát quà), trò chơi chẹt khum, múa sư tử mèo…
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Tràng Định là một trong những địa bàn tiêu biểu của tỉnh thực hiện tốt công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH, đặc biệt là các DSVH phi vật thể. Nhờ đó, huyện đã có 4 di sản được công nhận là DSVH phi vật thể cấp Quốc gia gồm: Lễ hội Bủng Kham (xã Đại Đồng), Thực hành Then, Hát sli và Múa sư tử mèo. Tràng Định cũng đã có 3 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Các nghệ nhân đã có nhiều nỗ lực cống hiến, góp phần tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH của tỉnh.
Huyện Tràng Định có 4 di sản được công nhận là DSVH phi vật thể cấp Quốc gia gồm: lễ hội Bủng Kham (xã Đại Đồng), thực hành Then, hát sli và múa sư tử mèo; có 3 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. |
Ý kiến ()