Tràng Định: Thạch đen trúng mùa, được giá
– Những ngày này, người dân trên địa bàn huyện Tràng Định đang khẩn trương thu hoạch thạch đen. Vụ xuân năm nay, thạch đen vừa được mùa, vừa được giá khiến nhiều bà con phấn khởi.
Chi Lăng là một trong những xã có diện tích trồng thạch đen tương đối lớn của huyện Tràng Định. Vụ xuân năm 2021, toàn xã trồng được trên 78 ha cây thạch đen, trong đó, hầu hết đều là thạch ruộng.
Ông Lý Lâm, tổ trưởng tổ hợp tác trồng thạch đen thôn Đâu Linh, xã Chi Lăng cho biết: Tổ hợp tác có 15 hộ dân tham gia trồng thạch đen với diện tích hơn 2 ha. Năm nay, do thời tiết thuận lợi và nguồn nước tưới đảm bảo nên sản lượng cao hơn năm ngoái. Trung bình, sản lượng thạch của chúng tôi đạt khoảng 230 kg/sào, cao hơn khoảng 20 – 30 kg/sào so với vụ xuân 2020. So với năm ngoái, giá thạch đen năm nay ở mức 21.000 – 23.000 đồng/kg, cao hơn 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết: Để nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc, thu hoạch thạch đen để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, xã đã gửi hồ sơ xin cấp 5 mã số vùng trồng đối với hơn 14 ha thạch đen của 90 hộ dân.
Người dân xã Kim Đồng, huyện Tràng Định thu hoạch thạch đen
Tại các xã khác trên địa bàn huyện Tràng Định, việc thu hoạch cây thạch đen cũng diễn ra khẩn trương. Bà Cam Thị Sen, thôn Nà Thà, xã Kim Đồng cho biết: Gia đình tôi trồng thạch đã hơn 15 năm nay, diện tích mỗi năm đều trên 4 sào. Do được xã cùng cơ quan chuyên môn tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, vụ thạch năm nay đạt năng suất cao hơn, sản lượng đạt trên 2 tấn thạch khô. Dự kiến, thu nhập của gia đình từ vụ thạch năm nay đạt trên 40 triệu đồng.
Theo thống kê của Phòng Nông ngiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tràng Định, vụ xuân năm nay, toàn huyện trồng được khoảng 1.800 ha thạch đen, tăng 600 ha so với vụ xuân 2020, sản lượng ước đạt khoảng 9.000 tấn. Trong đó, diện tích thạch nương đạt 846 ha, thạch ruộng đạt 923 ha. Cùng với các xã có diện tích trồng thạch đen hằng năm lớn như: Tân Tiến, Kim Đồng, thì vụ thạch năm nay, bà con tại các xã: Chi Lăng, Đề Thám… cũng mở rộng diện tích trồng thạch. Đến nay, trên 90% diện tích thạch ruộng đã được bà con thu hoạch xong. Số còn lại bà con đang khẩn trương thu hoạch để chuẩn bị trồng cho vụ thạch hè thu và gieo giống cho vụ xuân năm 2022. Đối với thạch nương, do được gieo trồng muộn hơn thạch ruộng nên phải cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 mới có thể thu hoạch.
Theo đánh giá của phòng NN&PTNT, vụ thạch xuân năm nay được đánh giá là được mùa, được giá. So với cùng kỳ năm 2020, giá thạch đen trên thị trường hiện nay đạt 23.000 đồng/kg, cao hơn 4.000 – 5.000 đồng/kg. Điều này là do hầu hết các hộ trồng thạch đen đã chủ động thay đổi cách thu hoạch, bảo quản để nâng chất lượng sản phẩm.
Theo đó, khác với những năm trước, thạch đen khi thu hoạch được bà con cắt bỏ phần rễ và lược bỏ các loại cây cỏ, tạp chất. Đồng thời, cây thạch ra hoa cũng sẽ được người dân loại bỏ. Ngoài ra, nhiều người dân đã chủ động xây dựng kho chứa và khu vực bảo quản thạch đen. Từ đó, đảm bảo sản phẩm có đủ tiêu chuẩn về chất lượng để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Ông Chu Việt Hà, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã hoàn thiện 104 hồ sơ để cấp mã số vùng trồng tại 15 xã với tổng diện tích trên 500 ha. Cùng đó, đơn vị đã phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức tập huấn 57 cuộc, cấp phát cho trên 3.300 bộ tài liệu về các nội dung như: Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc ; quy trình trồng và chăm sóc thạch đen… Qua đó, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng thạch đen trên địa bàn huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tràng Định hiện đã có 1 nhà máy chế biến thạch đen xuất khẩu và có 2 doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm thạch đen cho người nông dân. Bên cạnh đó, cuối năm 2020, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang thị trường Trung Quốc. Những điều này đã trở thành động lực để bà con mở rộng sản xuất và chú trọng các khâu trồng, chăm sóc cho đến thu hoạch và bảo quản để thạch đen ngày càng được nâng cao về chất lượng, giá trị.
Ý kiến ()