Tràng Định tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực
(LSO) – Huyện Tràng Định xác định sản phẩm nông nghiệp gồm: quế, hồi, thạch đen, quýt, lúa bao thai hồng và lúa nếp ong vàng là những sản phẩm chủ lực của huyện. Thời gian qua, nhờ các giải pháp về kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm,… các sản phẩm ngày càng phát triển mở rộng và đem lại giá trị kinh tế.
Hình thành vùng chuyên canh
Thời gian qua, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện Tràng Định cơ bản hình thành vùng trồng tập trung. Trong đó, cây quế với tổng diện tích 3.600 ha, trồng ở 7 xã: Kim Đồng, Tân Tiến, Đoàn Kết, Cao Minh, Tân Yên, Khánh Long, Vĩnh Tiến; cây hồi được trồng chủ yếu ở các xã: Kim Đồng, Hùng Sơn, Đề Thám, Đào Viên, Tân Minh, Tri Phương, Quốc Khánh với tổng diện tích gần 2.000 ha; cây thạch đen trồng nhiều ở các xã như: Kim Đồng, Tân Yên, Tân Tiến, Đề Thám, Hùng Việt, Cao Minh, Đoàn Kết, Chi Lăng với tổng diện tích gần 1.400 ha/năm; cây quýt trồng ở các xã: Chi Lăng, Chí Minh, Kim Đồng, Tân Tiến với diện tích 600 ha; lúa bao thai hồng và lúa nếp ong vàng trồng ở một số xã cánh đồng với diện tích 70 ha.
Người dân xã Tân Tiến thu hoạch thạch đen
Để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp trên, ngoài việc hình thành vùng trồng tập trung, hằng năm, cơ quan chuyên môn huyện mở các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cho người dân. Đặc biệt, từng bước xây dựng các mô hình trồng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, đối với cây quế, năm 2019, huyện xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ với diện tích 276,8 ha tại xã Kim Đồng. Sau khi thực hiện, kết quả kiểm tra mẫu tiêu chuẩn đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ của Châu âu, Mỹ, Nhật Bản. Cây hồi, xây dựng mô hình vùng nguyên liệu hồi hữu cơ với diện tích gần 290 ha tại xã Đề Thám. Đối với cây thạch đen, huyện xây dựng mô hình sản xuất thạch đen theo hướng an toàn thực phẩm trên địa bàn 8 xã, thị trấn với diện tích 14 ha. Đặc biệt, cây hồi được huyện phối hợp xây dựng mã vùng trồng năm 2019, thực hiện trên địa bàn các xã: Kim Đồng, Tân Tiến, Đoàn Kết với tổng diện tích gần 550 ha. Lúa bao thai hồng và lúa nếp ong vàng thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Song song với đó, từ năm 2017 đến nay, huyện xây dựng và được cấp có thẩm quyền chứng nhận nhãn hiệu tập thể Tràng Định cho các sản phẩm: quả quýt, quế, thạch đen. Giá trị sản phẩm ngày càng được nâng cao, năm 2019, cây quế đạt 480 triệu đồng/ha, hồi đạt 189 triệu đồng/ha, quýt đạt từ 100 đến 150 triệu đồng/ha, lúa bao thai hồng đạt 46 triệu đồng – 53 triệu đồng/ha, lúa nếp ong vàng đạt 79,7 triệu đồng – 95,3 triệu đồng/ha, thạch đen đạt gần 150 tỷ đồng/năm.
Tăng cường liên kết sản xuất
Để nâng cao giá trị cây chủ lực, thời gian qua, huyện Tràng Định đẩy mạnh liên kết, hợp tác sản xuất, mở rộng thị trường với các đối tác trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngay trong đầu tháng 1/2020, huyện ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế – hồi Việt Nam (Vina Samex). Theo đó, hiện nay, Công ty cử chuyên gia đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ, bao tiêu toàn bộ sản phẩm vùng nguyên liệu hữu cơ cho người dân; xây dựng dự án đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm quế, hồi tại thôn Bản Cáu, xã Đề Thám nhằm sơ chế, chế biến nguyên liệu quế, hồi được thu hoạch trên địa bàn huyện. Việc hợp tác với Vina Samex góp phần nâng cao kỹ thuật trồng, phát triển cũng như tiêu thụ sản phẩm quế, hồi ổn định trên địa bàn. Bởi thực tế, những năm trước, do việc tiêu thụ quế – hồi của người dân chủ yếu phụ thuộc vào tư thương và thị trường Trung Quốc nên giá cả rất bấp bênh, tăng – giảm bất thường.
Cùng với đó, huyện tạo điều kiện cho Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Đức Quý đầu tư nhà máy sơ chế thạch tại thôn Khuổi Só, xã Kim Đồng. Theo đó, công ty ký kết bao tiêu thạch đen cho người dân, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch thạch đảm bảo sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với thị trường Trung Quốc, năm 2019, huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với đoàn chuyên gia kiểm dịch thực vật Trung Quốc tại Lạng Sơn, khảo sát đánh giá vùng trồng thạch đen trên địa bàn huyện. Qua đó, đoàn Trung Quốc đánh giá: “Tràng Định cơ bản đủ các điều kiện an toàn vùng trồng thạch đen để xuất khẩu sang Trung Quốc”. Từ đó nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ thạch đen đảm bảo tiêu chuẩn sang thị trường Trung Quốc theo hướng chính ngạch.
Bà Hướng Thị Thêm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp. Trong đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn người dân mở rộng diện tích các cây trồng, nhất là diện tích sản xuất hữu cơ; áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch. Đồng thời, tiếp tục liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Ý kiến ()