Tràng Định tập trung phát triển những cây trồng mũi nhọn
LSO - Nhờ định hướng đúng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, lựa chọn những cây mũi nhọn mà điều kiện kinh tế - xã hội của Tràng Định không ngừng phát triển, đời sống của người nông dân được cải thiện rõ rệt.
Thạch đen được tập kết tại kho chờ xuất khẩu
Tràng Định là huyện vùng cao biên giới, có tổng diện tích đất tự nhiên 99.962 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 95.764 ha, chiếm đến 95,8%. Chính vì vậy, các cấp chính quyền huyện luôn xác định nông nghiệp là nòng cốt để phát triển kinh tế. Trong đó tập trung tăng diện tích và nâng cao chất lượng những cây trồng đã cho hiệu quả cao từ trước đến nay.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 25/3/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIX về phát triển cây ăn quả cùng với kinh tế đồi rừng, UBND huyện Tràng Định đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai Đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2011 – 2015. Qua đó, đã hình thành được hai vùng cây ăn quả tập trung với diện tích 100 ha cây lê tại địa bàn các xã Tri Phương, Quốc Khánh, Đội Cấn và diện tích 400 ha cây quýt tại các xã Kim Đồng, Tân Tiến, Chí Minh, Chi Lăng. Cùng với đó, để khai thác hiệu quả diện tích đất đồi rừng, huyện đã tập trung phát triển diện tích cây quế. Từ năm 2010 trở về trước, tổng diện tích cây quế trên địa bàn huyện chỉ gần 200 ha, nhưng từ năm 2011 đến nay, tổng diện tích cây quế đã được trồng mới thêm gần 700 ha và mục tiêu đến 2015 tăng lên 1.000 ha.
Ông Nông Văn Thoại, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Những đề án triển khai được bà con nhiệt tình ủng hộ và tham gia nên đã thành công và cho kết quả cao. Trong những năm gần đây, cây quýt được bà con chăm sóc tốt đã cho thu hoạch từ 50 đến 70 kg quả/năm, thu nhập bình quân hơn 1 triệu đồng/cây/năm. Hiện nay, bà con đang trồng với mật độ trung bình 600 cây/ha thì cho thu nhập từ trên 600 triệu đồng/ha/năm. Có nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ cây quýt.
Bên cạnh việc phát triển những cây dài ngày, Tràng Định còn có các loại cây ngắn ngày đặc trưng cho hiệu quả kinh tế cao như thạch đen, lúa. Trong những năm gần đây, diện tích trồng thạch đen của huyện luôn duy trì ổn định từ 1.500 đến 2.000 ha, cho năng suất bình quân từ 5,8 – 6 tấn/ha với giá bán dao động từ 1.5000 đồng đến 40.000 đồng/kg. Tổng thu từ bán sản phẩm thạch đen trung bình của toàn huyện Tràng Định trong 3 năm gần đây đạt từ 250 đến 290 tỷ đồng, riêng năm 2013 đạt 270 tỷ đồng.
Hiệu quả cao từ cây thế mạnh đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế – xã hội của Tràng Định. Nhưng để phát triển kinh tế một cách bền vững thì các cấp chính quyền huyện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những giải pháp tối ưu nhất. Ông Lý Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Trong thời gian tới đây, huyện chủ trương tập trung duy trì và phát triển những loại cây đã cho hiệu quả kinh tế cao; tăng cường các biện pháp để nâng cao chất lượng cũng như ổn định đầu ra cho sản phẩm. Hiện tại, huyện đang đầu tư tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giống cây tốt cùng với việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông sản. Bởi hiện nay, tuy những cây nông nghiệp mũi nhọn của huyện như thạch đen, quýt, mía… đã cho hiệu quả kinh tế khá cao nhưng vẫn chưa ổn định, cả về sản lượng hàng năm cũng như giá cả tiêu thụ.
Thực tế hiện nay, với cây thạch đen, tuy đã cho nguồn thu khá cao nhưng trên địa bàn huyện chưa có cơ sở chế biến, chưa có mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm do người nông dân làm ra vẫn bị tư thương ép giá, phụ thuộc nhiều vào thị trường của nước nhập khẩu như Trung Quốc. Do đó, để tiến tới tăng diện tích cây thạch đen, ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm hơn nữa, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự án đánh giá điều kiện sinh thái, chất lượng sản phẩm để xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thạch đen. Theo nội dung dự án, hết năm 2015 diện tích trồng thạch đen sẽ đạt 5.000 ha thuộc 23 xã trên địa bàn huyện. Tháng 9/2014 vừa qua, huyện đã gửi phiếu đề xuất đề tài lên Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xem xét phê duyệt. Cùng với đó, huyện cũng đang phối hợp cùng với Viện Rau quả Trung ương tìm lại giống cây quýt đời F0 để giữ nguồn giống quý bảo tồn và phát triển diện rộng, nâng cao diện tích, chất lượng quả và thu nhập cho người nông dân.
Hướng đi đúng trong việc chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp đã giúp Tràng Định tăng trưởng ổn định trong những năm qua. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP hàng năm đạt trung bình 11,12%. Với chủ trương tiếp tục duy trì và phát triển bền vững những cây nông nghiệp mũi nhọn như hiện nay, trong tương lai, Tràng Định sẽ đạt được nhiều thành tựu kinh tế mới.
Bài, ảnh: Anh Dũng

Ý kiến ()