Tràng Định: Tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm chủ lực
– Quế và thạch đen là hai sản phẩm chủ lực của huyện Tràng Định. Những năm qua, giá trị hai sản phẩm này ngày càng được nâng cao, đó là nhờ huyện đã tập trung hình thành, phát triển các vùng sản xuất tập trung, lan tỏa thương hiệu và đặc biệt là từng bước xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Những năm qua, UBND huyện Tràng Định đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung hình thành, phát triển vùng sản xuất cây trồng chủ lực. Trong đó, từ năm 2010, huyện quy hoạch vùng trồng quế và thạch đen tại 8 xã phía Tây như: Đoàn Kết, Cao Minh, Tân Tiến, Kim Đồng… Diện tích vùng trồng quế tăng từ 200 ha lên gần 3.500 ha; diện tích thạch đen duy trì hằng năm từ 1.200 đến 1.500 ha, theo kế hoạch, trong năm 2021 tăng lên 2.500 ha.
Người dân xã Kim Đồng, huyện Tràng Định chăm sóc thạch đen
Để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm, huyện đã chủ động kết nối, xây dựng mối liên kết sản xuất giữa người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Được biết, để tiến tới xây dựng chuỗi liên kết, huyện Tràng Định đã nâng diện tích, chất lượng vùng trồng, quảng bá thương hiệu đối với 2 sản phẩm quế và thạch đen. Từ năm 2017, trên cơ sở chất lượng vùng trồng, thương hiệu của 2 sản phẩm chủ lực này, huyện đã kết nối một số doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết tiêu thụ sản phẩm với bà con nông dân.
Cụ thể như đối với cây quế, trong năm 2020, huyện đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế – hồi Việt Nam (Vina Samex) để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Đồng thời, từ tháng 10/2020, UBND huyện phối hợp với Sở Công Thương lựa chọn các xã: Cao Minh, Tân Tiến, để thực hiện thí điểm mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – nông dân trong tiêu thụ và cung ứng vật tư nông nghiệp đối với cây quế (diện tích 50 ha với 210 hộ tham gia).
Còn đối với thạch đen, UBND huyện đã “kết nối”, tạo điều kiện để Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư Xuất nhập khẩu Đức Quý thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm cho trên 300 hộ dân tại hầu hết các xã trồng thạch đen của huyện.
Với những cách làm như vậy, đến thời điểm này đã có 4 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã thực hiện liên kết, bao tiêu 2 sản phẩm thạch đen và quế. Thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết, giá trị quế và thạch đen ngày càng tăng lên. Cụ thể, giá quế khô tăng từ 6.000 đồng (năm 2010) lên 46.000 đồng/1 kg vào năm 2020; giá thu mua thạch đen từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2020 đã tăng từ 20.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg; tổng thu hằng năm trung bình được khoảng 200 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm trước năm 2017.
Ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện uỷ về xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị cây thạch đen, quế, hồi giai đoạn 2021- 2025 định hướng đến năm 2030, huyện đã và đang triển khai các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị và vùng nguyên liệu sản xuất nông, lâm nghiệp. Đặc biệt, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân để xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết bền vững từ cung ứng vật tư nông nghiệp đến bao tiêu và tiêu thụ sản phẩm.
Việc phát triển các vùng sản xuất và xây dựng các chuỗi liên kết đối với 2 loại cây quế, thạch đen đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Tràng Định. Đây sẽ là tiền đề để huyện tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực khác theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ý kiến ()