Tràng Định: Quan tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
(LSO) – Thời gian qua, các cấp, các ngành huyện Tràng Định luôn quan tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Qua đó giúp họ rèn luyện, trưởng thành, sống có lý tưởng, ra sức học tập, rèn luyện và cống hiến xây dựng quê hương.
Một ngày cuối tháng 9/2020, theo chân đoàn tham quan các di tích trên địa bàn của cô trò Trường THPT huyện Tràng Định, chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm của nhà trường đối với giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Em Nông Thúy Hà, học sinh nhà trường chia sẻ: Qua chuyến tham quan, chúng em hiểu thêm về lịch sử của đất nước, về những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha ông cho độc lập, tự do hôm nay. Em và các bạn sẽ phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội…
Cô Bùi Thu Trang, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Tràng Định cho biết: Tôi thường tích hợp các nội dung vào tiết học và chương trình ngoại khóa. Mặt khác, nhà trường cũng tổ chức cho các em học sinh tham quan các di tích lịch sử trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh. Qua đó nâng cao hiểu biết về lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh.
Giáo viên Trường THPT huyện Tràng Định giới thiệu về di tích lịch sử, chiến thắng đường 4 cho học sinh
Cùng với các trường học, thời gian qua, Huyện đoàn Tràng Định đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm xây dựng thế hệ thanh niên giàu lòng yêu nước, có lý tưởng cách mạng, có lối sống đẹp. Anh Tô Ngọc Anh, Bí thư Huyện đoàn cho biết: Huyện đoàn thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, chỉ đạo các cơ sở đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến 100% đoàn viên, thanh niên; phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng chuyên mục, chuyên trang về giáo dục đạo đức lối sống, pháp luật cho thế hệ trẻ…
Theo tìm hiểu của phóng viên, huyện Tràng Định là địa bàn có nhiều di tích lịch sử, trong đó có các di tích liên quan đến Chiến dịch Biên giới Thu – Đông năm 1950 như: di tích chiến thắng Lũng Phầy; bia di tích chiến thắng Khuổi Slao, Bông Lau; bia di tích chiến thắng Bản Nằm; đài chiến thắng Bông Lau, Lũng Phầy; Nhà bia di tích lịch sử chiến thắng đường số 4… Ngoài ra còn có di tích nơi Bác Hồ về thăm Tràng Định năm 1961.
Bà Đinh Thị Liên, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tràng Định cho biết: Để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho Nhân dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng, hằng tháng, hằng quý, ban đều xây dựng kế hoạch định hướng tuyên truyền. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, đội ngũ báo cáo viên tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong 9 tháng đầu năm 2020, đội ngũ báo cáo viên của huyện đã tổ chức tuyên truyền theo chuyên đề và lồng ghép được trên 960 cuộc, với hơn 61.100 lượt người nghe.
Đáng chú ý, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tràng Định đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 35 của huyện về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” thành lập trang fanpage trên mạng xã hội Facebook mang tên “Đường 4 rực lửa”. Qua trang fanpage này, huyện đã đăng tải nhiều bài viết quan trọng tuyên truyền về các sự kiện lịch sử và các hiện vật liên quan, giúp Nhân dân và thế hệ trẻ hình dung rõ hơn về những mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước.
Thông qua đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ Tràng Định trong xây dựng quê hương. Từ năm 2019 đến nay, đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã tổ chức được trên 180 cuộc tình nguyện tại cơ sở, làm được nhiều công trình, phần việc ý nghĩa. Trong đó, đã bê tông hóa được hơn 1.500 m đường giao thông, thi công được hơn 2.000 m công trình thắp sáng đường thôn; đóng góp hàng nghìn ngày công giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách…
Thời gian tới, các cấp, ngành huyện Tràng Định tiếp tục đẩy mạnh giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Qua đó góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thanh, thiếu niên đối với công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.
Ý kiến ()