Tràng Định quản lý, khai thác tốt các công trình thủy lợi
LSO-Hiện trên địa bàn huyện Tràng Định có 20 công trình thủy lợi lớn và hàng trăm hồ, đập nằm ở các xã, phục vụ tưới cho hơn 3.000 ha đất trồng lúa.
LSO-Hiện trên địa bàn huyện Tràng Định có 20 công trình thủy lợi lớn và hàng trăm hồ, đập nằm ở các xã, phục vụ tưới cho hơn 3.000 ha đất trồng lúa. Nhờ quản lý, khai thác tốt các công trình thủy lợi nên sản xuất nông nghiệp của huyện luôn đạt kết quả cao, năm 2012, năng suất lúa bình quân trên toàn huyện đạt xấp xỉ 6 tấn/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 37.448 tấn.
Công trình thủy lợi đập Kéo Quân, xã Tri Phương (Tràng Định) |
Để phát huy hiệu quả của các công trình thủy lợi, UBND huyện Tràng Định đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với xi nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Tràng Định, trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn thực hiện quản lý và khai thác các công trình thủy lợi phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện có 22 xã và thị trấn, diện tích đất thâm canh lúa tập trung chủ yếu ở các xã vùng cánh đồng như: Đại Đồng, Chi Lăng, Đề Thám, Hùng Sơn… Anh Nguyễn Minh Chiến, Phó Giám đốc xí nghiệp cho biết: Để tăng năng suất, sản lượng cây trồng, xí nghiệp chủ động phối hợp với chính quyền các xã đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi; thường xuyên chỉ đạo, vận động người dân thôn, bản tham gia nạo vét, phát dọn, đắp cao bờ kè, duy tu, chống rò rỉ những công trình thủy lợi có nguy cơ xuống cấp nhằm hạn chế tình trạng thất thoát nguồn nước. Bên cạnh đó, xí nghiệp còn cùng các địa phương kiện toàn hoạt động của các tổ thủy nông để chủ động khai thác, điều tiết nguồn nước. Đồng thời cử cán bộ thủy nông trực tiếp xuống các xã, thôn thống nhất lịch gieo cấy, thời gian xả nước của hồ thủy lợi, nhằm giúp bà con chủ động đón nước, gieo cấy và chăm sóc cây trồng đúng thời vụ.
Trao đổi với chúng tôi bà Hoàng Thị Tuyên, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: Đại Đồng là xã có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất của huyện và có nhiều công trình thủy lợi quan trọng. Ngoài hồ Nà Chào là công trình thủy lợi thuộc địa bàn xã, có dung tích chứa lớn nhất trong tất cả các hồ, đập trên 2 triệu m3 nước, hiện xã còn có đập dâng Nặm Ăn, hồ Khuổi Luông, phục vụ đủ nước tưới cho hơn 300 ha diện tích đất canh tác. Để đảm bảo nguồn nước tưới, UBND xã thường xuyên vận động người dân tham gia tu sửa các hồ, đập, nạo vét các tuyến kênh dẫn nước ra đồng. Đặc biệt, tận dụng diện tích mặt nước các hồ chứa này, xã đã tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ hợp tác ở các thôn bản lân cận hồ, đập tham gia nuôi trồng thủy sản gắn với việc quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi. Nhờ vậy, đã phát huy được hiệu quả trong việc chủ động nguồn nước tưới, tiêu cho sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế. Tại xã Chi Lăng, trong năm 2012, huyện đã được đầu tư 1 tỷ đồng từ vốn sự nghiệp thủy lợi của tỉnh để xây dựng hệ thống kênh, mương nhánh để đảm bảo việc tưới, tiêu cho bà con trong xã. Từ khi các công trình thủy lợi được đầu tư, phát huy hiệu quả, năng suất cây trồng tăng lên đáng kể, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo.
Hệ thống thủy lợi nội đồng ở xã Thạch Đạn (Cao Lộc) – Ảnh: BT |
Hàng năm, huyện Tràng Định luôn đầu tư gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi của huyện để duy tu, xây mới các công trình. Trong năm 2013 huyện tiếp tục đầu tư xây dựng 2 công trình kênh mương tại xã Chi Lăng để đảm bảo hơn nữa việc đưa nước vào đồng ruộng. Đồng thời tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi đã bị xuống cấp; xây dựng thêm nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ tại các xã vùng sâu, vùng xa. Phối hợp với các cấp, ngành đầu tư xây dựng nhiều tuyến kênh mương nội đồng để tạo điều kiện thuận lợi trong việc dẫn nước tưới cho những cánh đồng ở xa. Đặc biệt, huyện tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật quản lý vận hành công trình thủy lợi nội đồng cho cán bộ thủy nông cơ sở và nông dân nâng cao nhận thức, sử dụng nước một cách tiết kiệm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
ANH DŨNG
Ý kiến ()