Tràng Định: Phát triển vùng cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa
(LSO) – Khai thác lợi thế thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, những năm gần đây, huyện Tràng Định đã tập trung phát triển các vùng cây công nghiệp giá trị cao, tiếp tục phát huy và khẳng định thế mạnh về kinh tế nông nghiệp.
Từ năm 2011, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo và phát triển các loại cây đặc sản có thế mạnh và giá trị kinh tế cao, đồng thời giúp người dân thay đổi dần tập quán canh tác nhỏ lẻ thiếu bền vững và kém hiệu quả, hình thành những vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, các loại cây trồng như: quế, hồi và thạch đen là những cây mũi nhọn mà huyện tập trung phát triển.
Đối với cây hồi, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các xã tổ chức triển khai các chương trình, dự án có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cũng như các doanh nghiệp đầu tư để chăm sóc, trồng dặm, cải tạo rừng hồi cũ kết hợp trồng mới bằng giống hồi lấy lá để chưng cất lấy tinh dầu. Đồng thời, UBND huyện quy hoạch và phát triển vùng trồng hồi khoảng 10.000 ha tập trung ở các xã: Tri Phương, Đề Thám, Bắc Ái, Hùng Sơn, Kim Đồng, Tân Minh, Đào Viên và Quốc Khánh.
Người dân xã Chi Lăng, huyện Tràng Định thu hoạch thạch đen
Song song với đó, huyện Tràng Định thực hiện Đề án phát triển cây quế tập trung tại các xã phía Tây của huyện với tổng diện tích khoảng 1.300 ha, điển hình như xã Kim Đồng với tổng diện tích hơn 110 ha, Tân Tiến 220 ha, Vĩnh Tiến 182 ha và nhiều nhất là Đoàn Kết với gần 600 ha… Trong 5 năm trở lại đây, đã có nhiều diện tích rừng quế cho thu hoạch với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg vỏ quế khô. Theo mật độ trồng 2.500 cây quế/ha, đã có nhiều hộ đạt thu nhập bình quân 250 triệu đồng/ha/năm.
Ông Từ Như Hiếu, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Từ năm 2015 đến nay, do cầu về vỏ quế khô trên thị trường rất cao nên diện tích rừng quế được người dân trồng mới liên tục tăng, năm sau tăng từ 20 – 30% diện tích so với năm trước. Phòng đã phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND xã và ngân hàng giúp người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi trồng rừng mở rộng diện tích quế. Đồng thời, để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế từ cây quế, phòng đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện Dự án đăng ký nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho sản phẩm cây quế và hướng dẫn người dân thực hiện đầu tư, liên kết trong các khâu trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh các loại cây công nghiệp dài ngày, huyện Tràng Định tiếp tục phát triển vùng cây công nghiệp ngắn ngày, trong đó thạch đen là cây chủ lực, vốn là cây trồng thế mạnh của huyện từ nhiều năm nay được trồng tại 23/23 xã, thị trấn với diện tích từ 1.200 – 2.000 ha/năm. Trong đó, vùng thạch chính của huyện tập trung tại các xã: Kim Đồng, Tân Tiến, Chí Minh, Vĩnh Tiến, Chi Lăng và một số xã phía Đông của huyện.
Từ năm 2017, khi thạch đen Tràng Định được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu trồng, chăm sóc, cho năng suất đạt từ 5,8 – 6 tấn/ha, sản lượng khoảng 12.000 tấn/năm, nâng giá bán lên từ 20.000 – 50.000 đồng/kg thạch khô, đem lại giá trị kinh tế bình quân 400 tỷ đồng/năm. Diện tích thạch đen luôn duy trì ổn định, năm 2018, diện tích trồng thạch của huyện đạt 1.267 ha.
Việc phát triển vùng cây công nghiệp theo hướng hàng hóa đã góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện trong những năm qua, nhất là khu vực nông thôn các xã vùng sâu, vùng xa. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm.
Bà Hướng Thị Thêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Tới đây, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân xây dựng các mô hình kinh tế, chủ động ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời, huyện đặc biệt chú trọng liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
YÊN SƠN
Ý kiến ()