Tràng Định: Phát triển kinh tế từ nghề truyền thống
(LSO) – Với những thế mạnh riêng có, thời gian qua, người dân huyện Tràng Định đã duy trì và phát triển các nghề truyền thống như: làm bánh, bún, phở, nấu thạch, đan lát, nghề rèn… Hướng đi này góp phần mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Bà Hoàng Thị Bạch, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh Thạch đen Hồng Nhung chia sẻ: Gia đình tôi làm thạch từ những năm 1990. Trước đây, số lượng thạch nấu để bán rất ít. Từ năm 2015, do nhu cầu của thị trường, gia đình tôi nghiên cứu và nấu thạch có đường để bán, từ đó lượng tiêu thụ ngày một tăng. Trước đây, mỗi ngày tôi chỉ làm từ 1 đến 2 tạ thạch. Từ khi có tem truy xuất nguồn gốc đến nay, trung bình gia đình tôi tôi sản xuất từ 1,5 đến 1,6 tấn thạch/ngày. Với thị trường ổn định, hiện nay gia đình tôi làm thạch quanh năm, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức lương từ 7 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, trừ chi phí gia đình tôi thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm.
Người dân khu I, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định chuẩn bị nguyên liệu nấu thạch
Ngoài nghề làm thạch, huyện Tràng Định còn có các nghề truyền thống như: nghề làm hương ở xã Đại Đồng; nghề đan lát ở xã Đoàn Kết, xã Chi Lăng; nghề rèn, đan nón, làm bánh phở, quay vịt ở thị trấn Thất Khê… với khoảng 200 hộ làm nghề.
Đặc biệt, có một số nghề trước đây người dân chủ yếu chỉ làm theo mùa vụ thì đến nay đã sản xuất quanh năm theo đơn đặt hàng của khách. Thu nhập trung bình của hộ làm nghề đạt từ 50 đến 70 triệu đồng/năm. Có cơ sở đã đạt mức thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Một số hộ đã và đang làm giàu từ nghề truyền thống trên chính mảnh đất quê hương.
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế từ nghề truyền thống, năm 2017, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Tràng Định đã hỗ trợ một cơ sở sản xuất thạch đen lớn nhất trên địa bàn huyện máy ép thủy lực, nồi áp suất, nồi quấy… trị giá hơn 170 triệu đồng; hỗ trợ 210.000 tem nhãn mác; 10.170 hộp đựng với tổng giá trị gần 84 triệu đồng.
Thời gian tới, từ nguồn kinh phí (500 triệu đồng) thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện dự kiến hỗ trợ cơ sở sản xuất bột thạch trên địa bàn huyện gồm: máy đóng gói và tem nhãn mác… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị của sản phẩm.
Ông Chu Việt Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Từ năm 2015 trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã lựa chọn nghề truyền thống để phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định. Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện định hướng các xã tập trung duy trì, mở rộng nghề truyền thống; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đủ điều kiện tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm kết nối cung cầu; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm… Từ đó, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Ý kiến ()