Tràng Định phát huy lợi thế hồ đập
LSO-Hiện trên địa bàn huyện Tràng Định có 20 công trình thủy lợi lớn và hàng trăm hồ, đập nhỏ nằm ở các xã, phục vụ tưới tiêu cho hơn 3.000 ha đất trồng lúa.
LSO-Hiện trên địa bàn huyện Tràng Định có 20 công trình thủy lợi lớn và hàng trăm hồ, đập nhỏ nằm ở các xã, phục vụ tưới tiêu cho hơn 3.000 ha đất trồng lúa. Nhằm phát huy và khai thác nguồn lợi kinh tế từ các hồ, đập, thì ngoài công tác thủy lợi đảm bảo mùa vụ, Tràng Định còn tận dụng nguồn nước mặt để tổ chức cho những hộ dân ven hồ nuôi trồng thủy sản. Ông Vũ Xuân Hòa, Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Tràng Định cho biết: hiện tại, các hồ chứa lớn trên địa bàn huyện do xí nghiệp quản lý, những hồ chứa nào vẫn đang hoạt động được thì đều tạo điều kiện cho người dân tận dụng để nuôi thủy sản. Vừa giúp bà con có cơ hội phát triển kinh tế vừa gắn được trách nhiệm cho người dân trong công tác quản lý, sửa chữa hồ, đập hiệu quả. Qua thực tế, những năm gần đây, nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả nhờ phát triển kinh tế từ nuôi cá hồ.
Nuôi cá lồng trên hồ Nà Chào, huyện Tràng Định |
Được anh Nguyễn Minh Chiến, Phó Giám đốc xí nghiệp, giúp đỡ, chúng tôi đến thăm hồ Nà Chào, thuộc địa phận xã Đại Đồng. Gần trưa, trời nắng chang chang nhưng anh Nông Quốc Hòa, vẫn đang lúi húi trên những lồng cá giữa hồ để bắt cá san từ lồng này sang lồng khác. Vừa làm vừa tiếp chuyện chúng tôi, anh Hòa cho biết: anh tham gia nuôi cá lồng trên hồ đã gần 5 năm nay, hiện tại anh có 10 lồng cá các loại như cá rô phi đơn tính, cá chép, cá lăng. Giai đoạn này cá bắt đầu to nên một số lồng bị chật, anh đang san cá sang những lồng còn rộng. Năm nay thì cá chưa cho thu hoạch nhưng những năm trước mỗi năm anh cũng thu được khoảng 100 đến 150 triệu đồng tiền bán cá. Ngoài những lồng cá của anh Hòa, thì đầu tháng 7 vừa qua, 40 hộ dân sinh sống ven hồ đã đã góp tiền mua 70.000 con cá giống về thả tại hồ. Bà Đàm Thị Bền, thôn Nà Mậy, xã Đại Đồng một trong 40 hộ tham gia nuôi cá hồ cho biết: hàng năm, các hộ dân ven hồ đều tận dụng nguồn nước mặt để nuôi cá, những năm trước thì chỉ có vài hộ nuôi, nhưng khi nhìn thấy hiệu quả kinh tế đem lại và thấy tiềm năng của hồ vẫn còn, nên năm nay đã có 40 hộ tham gia, tháng 6 vừa qua mỗi hộ góp 1 triệu đồng để mua cá giống. Để công tác chăm sóc, bảo vệ hồ và cá nuôi hiệu quả, 40 hộ đã chia thành 6 tổ, mỗi tổ 6 người, mỗi tổ thay nhau trực tại hồ một ngày. Nhờ môi trường sống thuận lợi cá lớn rất nhanh, qua kiểm tra đến nay mới thả được khoảng 2 tháng đã có con được gần 2kg. Các hộ đều đang rất hi vọng một vụ thu hoạch thành công.
Không chỉ những hộ dân gần các khu vực hồ, đập, ngay cả cán bộ của Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Tràng Định cùng tham gia nuôi cá. Anh Nguyễn Khắc Hòa, cán bộ xí nghiệp tâm sự: là cán bộ quản lý chất lượng các công trình thủy lợi, anh thường xuyên có mặt tại các hồ, đập để kiểm tra, vì vậy anh cũng góp vốn tham gia cùng bà con nuôi cá tại các hồ, trong 3 năm nay, mỗi năm anh cũng thu được khoảng 50 triệu đồng tiền bán cá. Ngoài việc tăng thu nhập, thì quan trọng hơn là anh cùng với bà con nắm bắt được tình hình các công trình cũng như nhu cầu thủy lợi sát thực hơn.
Tuy cho người dân tận dụng và khai thác nguồn nước từ các hồ đập, nhưng không vì thế mà gây ảnh hưởng đến các công trình hay ô nhiễm nguồn nước mặt. Anh Hòa cho biết: xí nghiệp thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra tình trạng các hồ, đập, khi thấy công trình nào có hiện tượng xuống cấp thì ngay lập tức phối hợp cùng người dân duy tu, sửa chữa để đảm bảo cho công tác thủy lợi địa phương và tạo tâm lý yên tâm để người dân sản xuất kinh tế. Đồng thời, xí nghiệp cùng yêu cầu, những hộ đang tham gia nuôi trồng thủy sản tại các hồ, đập ngoài việc bảo vệ quản lý thì phải thường xuyên phát dọn cảnh quan môi trường xung quanh, không để tình trạng có rác thải trên mặt nước nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường thuận lợi cho cá sinh trưởng, từ đó đảm bảo hiệu quả kinh tế hơn nữa cho người dân.
ANH DŨNG
Ý kiến ()