Tràng Định: Nỗ lực đưa vốn tới người nông dân
– Với mong muốn đưa vốn tín dụng đến nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Tràng Định đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Tràng Định (Agribank Tràng Định) triển khai có hiệu quả hoạt động mô hình cho vay vốn thông qua tổ vay vốn. Tháng 8/2022 vừa qua, HND huyện Tràng Định vinh dự được nhận bằng khen của HND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai tổ vay vốn.
Để triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, ngày 3/10/2021, HND huyện và Agribank Tràng Định đã ký kết thỏa thuận liên ngành để thành lập các tổ vay vốn với thành viên là hội viên nông dân để vay vốn tín dụng và sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Theo đó, các tổ viên có nhu cầu vay và đủ điều kiện sẽ được vay vốn từ ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Bản Chu, xã Hùng Sơn (bên trái) hướng dẫn hội viên nông dân thủ tục vay vốn
Với sự đồng hành của ngân hàng và HND, nhiều hộ dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện đã có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Điển hình như gia đình chị Hoàng Thị Sử, thôn Áng Mò, xã Tân Tiến. Dẫn chúng tôi tham quan cánh rừng quế bạt ngàn, chị Sử phấn khởi: Năm 2021, được sự hướng dẫn của tổ trưởng tổ vay vốn thôn Áng Mò, tôi đã làm hồ sơ vay 95 triệu đồng của Agribank Tràng Định để chăm sóc 5 ha rừng quế. Đến nay, rừng quế đã đến tuổi cho thu hoạch, tôi bán tỉa khoảng 6 tấn vỏ quế và thu về trên 100 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, gia đình đã có nguồn thu để phát triển sản xuất và trồng mới 1 ha quế.
Không chỉ gia đình chị Sử, nhiều hội viên nông dân tại thôn Áng Mò đã được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi kịp thời, nhanh chóng thông qua tổ vay vốn. Ông Dương Văn Ngôn, Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Áng Mò, xã Tân Tiến cho biết: Đến nay, tổng dư nợ của tổ đạt gần 1,5 tỷ đồng, với 37 thành viên, hiện tổ không có nợ xấu, nợ quá hạn. Để có được kết quả đó, hằng tháng, thông qua các cuộc họp thôn, họp tổ chúng tôi đều tuyên truyền, vận động các hộ về mục đích sử dụng vốn, theo dõi, nhắc nhở kịp thời các hộ vay về các khoản nợ sắp đến hạn. Việc cho vay qua tổ đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, trồng rừng và phát triển chăn nuôi.
Không chỉ riêng tổ vay vốn thôn Áng Mò, thời gian qua, 51 tổ vay vốn trên địa bàn huyện Tràng Định đều hoạt động hiệu quả, với 669 hội viên đang vay vốn, nguồn vốn vay chủ yếu để phục vụ phát triển rừng, chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh dịch vụ. Đến nay, dư nợ cho vay qua tổ đạt 40,2 tỷ đồng, chiếm 35% tổng dư nợ tại chi nhánh, tỷ lệ thu lãi hằng năm luôn đạt 97%.
Bà Đinh Thị Thoa, Phó Chủ tịch HND huyện cho biết: Để nguồn vốn vay lan toả tới đông đảo hội viên nông dân, HND huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể đến từng HND xã, thị trấn; đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, nhóm zalo… Bên cạnh đó, để củng cố và nâng cao chất lượng các tổ, từ năm 2021 đến nay, HND huyện đã chủ động phối hợp với ngân hàng tổ chức 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các tổ trưởng, hội viên để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay; cấp phát sổ tài liệu hướng dẫn vay vốn cho 100% tổ trưởng. Cùng với đó, để đảm bảo các tổ vay vốn hoạt động hiệu quả, HND huyện tiến hành họp bình xét, thay thế các tổ trưởng có năng lực yếu, không nhiệt tình; làm tốt công tác kiện toàn, đảm bảo mỗi tổ có từ 15 thành viên trở lên. Đồng thời, chỉ đạo sát sao các tổ trưởng tích cực tuyên truyền hội viên mở tài khoản thanh toán điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn. Từ đầu năm 2022 đến nay đã có trên 600 hội viên mở tài khoản ATM tại ngân hàng.
Có thể thấy, việc phối hợp cho vay qua tổ đã giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngày càng có nhiều nông dân được tiếp cận vốn và dịch vụ tiện ích ngân hàng. Thông qua mô hình tổ vay vốn, hội viên có thêm cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cách thức sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả.
Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Agribank Tràng Định nhận xét: Sau gần 1 năm ký kết thỏa thuận hợp tác, HND huyện đã phối hợp có hiệu quả trong việc đẩy mạnh cho vay qua tổ, góp phần đưa nguồn vốn ngân hàng đến với địa bàn vùng sâu, vùng xa, hạn chế nạn “tín dụng đen” ở địa bàn nông thôn. Mô hình cho vay qua tổ vay vốn đã trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả, tạo điều kiện cho hộ vay được tiếp cận nguồn vốn và sử dụng các dịch vụ của Agribank nhanh chóng, thuận lợi và an toàn.
Thời gian tới, HND huyện đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách giảm nghèo, tín dụng đến hội viên; khuyến khích hội viên phát huy nội lực, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Đồng thời, chủ động giao chỉ tiêu phù hợp với địa bàn từng xã, nhằm nhân rộng mô hình tổ vay vốn đến đông đảo nông dân trên địa bàn.
Ý kiến ()