Tràng Định: Niềm vui của bệnh nhân khi được chạy thận nhân tạo tại tuyến huyện
(LSO) – Từ ngày 10/10/2019, Trung tâm Y tế Tràng Định triển khai chạy thận nhân tạo sau một thời gian dài chuẩn bị về nhân lực, vật lực. Nếu như trước đây, những bệnh nhân bị suy thận mãn trên địa bàn huyện phải vất vả đến bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương chờ đợi để chạy thận nhân tạo thì nay, họ có thể điều trị tại Trung tâm Y tế huyện.
Cách đây hơn 12 năm, bà Lăng Thị Loan, trú tại thôn Đoỏng Khọt, xã Chi Lăng phát hiện bị suy thận mãn và phải chạy thận nhân tạo. Bà Loan cho biết: Ba lần/tuần, tôi phải xuống các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Đường sá xa xôi nên việc điều trị rất vất vả, tốn kém. Từ nay, được chạy thận nhân tạo ở tại huyện mình rồi. Việc điều trị của tôi đã dễ dàng hơn rất nhiều, giờ tôi cũng 71 tuổi rồi mà cứ ở trọ, chờ đợi để chạy thận thì vừa vất vả cho gia đình, vừa tủi thân mình.
Cũng giống bà Loan, việc chạy thận nhân tạo của bà Bế Thị Luân, 53 tuổi ở Thâm Luông, Hùng Sơn cũng vất vả không kém. Để chạy chữa, thuận tiện cho việc đi lại, bà Luân phải thuê một phòng trọ nhỏ ở gần các bệnh viện tuyến trên. Là hộ nghèo, nên những chi phí đi lại, ăn ở đối với bà Luân là cả một vấn đề. Bà tâm sự: Giờ thì tốt rồi, tôi có thể điều trị tại huyện, giảm bớt được bao gánh nặng về vật chất cũng như tinh thần cho gia đình.
Bác sỹ, điều dưỡng thao tác kỹ thuật cho một ca chạy thận
Ngoài những thuận lợi cho bệnh nhân, việc triển khai kỹ thuật lọc máu chu kỳ tại Trung tâm Y tế huyện cũng tạo cơ hội cho đội ngũ y, bác sĩ được tiếp cận, học hỏi, phát triển kỹ thuật mới. Nhờ đó, có thể xử trí được những trường hợp cấp cứu liên quan đến bệnh này như: suy thận cấp, phù phổi cấp, toan chuyển hóa… mà trước đây đều phải chuyển viện.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, trên địa bàn huyện Tràng Định có gần 40 bệnh nhân mắc bệnh suy thận mãn tính đang phải lọc máu ở Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn và một số cơ sở y tế khác. Hiện tại, đã có gần 20 bệnh nhân đăng ký chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện. Để triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo đạt hiệu quả, bác sĩ Đàm Thị Hương, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu – Thận nhân tạo, Trung tâm Y tế huyện Tràng Định cho biết: Chúng tôi được đơn vị tạo điều kiện đi học tập, bồi dưỡng, chuyển giao kỹ thuật trong chạy thận tại tuyến tỉnh và trung ương. Qua đó, nâng cao trình độ, đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật chạy thận tại tuyến huyện.
Bác sỹ Lăng Văn Viên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Tràng Định cho biết thêm: Để kịp thời triển khai chạy thận nhân tạo tại tuyến huyện, Trung tâm Y tế Tràng Định đã cử ê kíp gồm 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng đi đào tạo chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn. Sửa chữa khu chạy thận nhân tạo với diện tích trên 120 m2, khang trang, sạch đẹp, đáp ứng yêu cầu đặt được 5 máy chạy thận nhân tạo mà Sở Y tế cấp cho huyện, góp phần để các bệnh nhân trên địa bàn huyện Tràng Định được khám, chữa bệnh tốt nhất.
Việc đưa vào sử dụng đơn nguyên thận nhân tạo tại tuyến huyện nói chung và Trung tâm Y tế Tràng Định nói riêng đã giúp bệnh nhân bị suy thận cấp và suy thận mãn tính được điều trị ngay tại huyện nhà, thay vì phải đến các bệnh viện tuyến trên để chạy thận như trước đây. Qua đó hạn chế việc chuyển tuyến, giảm áp lực đối với bệnh viện tuyến trên, giúp cho các bệnh nhân được điều trị kịp thời, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Đồng thời từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn.
PHẠM THOA (Tràng Định)
Ý kiến ()