Tràng Định: Liên kết sản xuất, kinh doanh thạch đen
LSO - Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây thạch đen, huyện Tràng Định đã thành lập Hội Sản xuất và kinh doanh thạch đen với mục tiêu liên kết người nông dân và thương nhân. Từ đó tạo sự ổn định từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ.
Nông dân xã Chi Lăng, huyện Tràng Định chăm sóc thạch đen |
Thạch đen là cây nông nghiệp mũi nhọn của huyện Tràng Định. Toàn huyện có khoảng 5.000 ha đất nông nghiệp trên địa bàn 23 xã, thị trấn có thể trồng thạch đen. Trong những năm gần đây, Tràng Định duy trì diện tích trồng thạch từ 1.200 ha đến 2.000 ha.
Hiện tại, thạch đen chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc. Doanh thu từ thạch đen hằng năm của huyện dao động từ 150 đến 180 tỷ đồng/năm. Có năm được giá, tổng thu từ thạch đen toàn huyện lên đến trên 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá cả lên xuống thất thường nên doanh thu bình quân cả huyện cũng dao động mạnh, hiệu quả kinh tế năm cao, năm thấp.
Nhằm hạn chế vấn đề trên, trong tháng 7 vừa qua, huyện Tràng Định đã thành lập Hội Sản xuất và kinh doanh thạch đen để liên kết các hộ sản xuất, hộ kinh doanh thạch đen lại với nhau. Mục tiêu hội đặt ra là từng bước nâng cao chất lượng thạch, ổn định sản lượng và giá cả, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Theo đó, để nâng cao chất lượng thạch, Hội sản xuất và kinh doanh thạch đen phân chia thành nhiều tổ hội, phân bổ đều ở tất cả các xã, đặc biệt là các xã có diện tích trồng thạch lớn của huyện. Các tổ hướng dẫn hội viên, người nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản thạch đúng khoa học kỹ thuật; tham gia rà soát diện tích đất thuận lợi trồng thạch để thông tin cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Đồng thời, tuyên truyền và theo dõi việc diệt cỏ của người dân, không để người dân sử dụng thuốc diệt cỏ gây ảnh hưởng đến chất lượng thạch, dẫn đến mất giá khi xuất khẩu.
Cùng với đó, hội đóng vai trò trung gian cùng với người trồng thạch và người kinh doanh nghiên cứu, đưa ra cam kết sản xuất, kinh doanh với các hợp đồng tiêu thụ. Các hội viên kinh doanh thực hiện việc thu mua thạch của hội viên sản xuất với mức giá đảm bảo cả hai bên cùng có lợi.
Ông Lý Văn Đề, hộ sản xuất thạch đen tại xã Đoàn Kết, thành viên Ban Chấp hành Hội sản xuất và kinh doanh thạch đen cho biết: Từ trước tới nay, các gia đình trồng thạch khi đến mùa thu hoạch, thương lái nào đến mua trước thì bán, giá cả theo kiểu “tin đồn”, thấy xã khác bán thế nào thì phát giá thế đó, lúc cao lúc thấp, nhưng đa phần là thấp. Vừa qua, hội đã tổ chức cho các hội viên trồng thạch và hội viên kinh doanh bàn bạc, dự kiến mức giá cam kết trung bình khoảng 15.000 đồng/kg thì cả hai cùng có lãi.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, tới đây, đại diện ban chấp hành hội cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tiếp cận các công ty sản xuất thạch rau câu lớn trong nước để tìm kiếm thị trường nội địa. Bởi hiện nay, 90% sản phẩm cây thạch đen xuất sang Trung Quốc được dùng để sản xuất thạch ăn và nước giải khát.
Bà Nông Thị Kim Oanh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng thương hiệu thạch đen Tràng Định với tem nhãn đầy đủ. Việc thành lập Hội Sản xuất và kinh doanh thạch đen và xây dựng nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho cây thạch đen là những bước khởi đầu để thực hiện. Hội sẽ là tổ chức đại diện để quản lý và chịu trách nhiệm phát triển thương hiệu thạch khi được hình thành.
Việc liên kết sản xuất, kinh doanh thạch đen với những mục tiêu đề ra cụ thể, hy vọng rằng sản phẩm thạch đen của người dân Tràng Định sẽ được nâng cao giá trị, mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như kinh tế – xã hội của huyện.
Bài, ảnh: Anh Dũng
Ý kiến ()