Tràng Định kỷ niệm 70 năm chiến thắng Biên giới và ngày giải phóng Thất Khê
(LSO) – Sáng nay (10/10), Huyện uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Tràng Định long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới Thu – Đông (1950 – 2020) và ngày giải phóng Thất Khê (10/10/1950 – 10/10/2020).
Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang của tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện qua các thời kỳ; đông đảo cán bộ và Nhân dân huyện Tràng Định. Cùng dự có đoàn đại biểu huyện Quảng Hòa (tỉnh Cao Bằng), huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn).
Tại buổi lễ, lãnh đạo Huyện ủy Tràng Định đọc diễn văn kỷ niệm 70 năm chiến thắng biên giới Thu – Đông và ngày giải phóng Thất Khê.
Theo đó, trong giai đoạn đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nhân dân huyện Tràng Định thực hiện nghiêm túc chủ trương “Kháng chiến kiến quốc” của Đảng, tăng gia sản xuất, củng cố chính quyền, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng đánh địch ngay khi chúng tấn công.
Từ tháng 10/1947 đến giữa năm 1950, quân và dân huyện Tràng Định sát cánh cùng với lực lượng bộ đội chủ lực, liên tục tham gia và giành chiến thắng trong nhiều trận đánh, nhất là trên đường số 4. Những trận truy đuổi, phục kích của ta khiến đường số 4 trở thành “con đường lửa”, “con đường máu” đối với thực dân Pháp.
Văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm
Tháng 6/1950, khi Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở Chiến dịch Biên giới, Nhân dân huyện Tràng Định tự giác phát huy tất cả lực lượng, vật chất và tinh thần tham gia chuẩn bị cho chiến dịch, đánh địch để giải phóng quê hương.
Huyện đã phát động ủng hộ “hũ gạo kháng chiến”; huy động dân công từ 16 đến 55 tuổi tham gia vận chuyển lương thực, tải đạn, cứu thương, xay giã gạo. Dân quân du kích và bộ đội địa phương phối hợp với quân chủ lực liên tục tấn công, truy kích địch ở các đồn nhỏ ở phía Nam Thất Khê, phục kích tiêu diệt nhiều binh đoàn địch trên đường hành quân rút khỏi Cao Bằng về Thất Khê và từ Thất Khê viện trợ lên Cao Bằng…
Sáng 10/10/1950, quân Pháp, tay sai mang theo cả gia đình rút chạy khỏi Thất Khê. Đến cầu Bản Trại, quân địch bị dồn ứ ở bên bờ sông (do cầu đã bị ta phá từ trước). Chúng phải vượt sông bằng xuồng nên càng thêm hỗn loạn. Trên đường, chúng còn bị quân dân ta phục kích tại Đèo Khách, xã Hùng Việt.
Tối 10/10/1950, huyện Tràng Định hoàn toàn được giải phóng. Đến cuối tháng 10/1950, Pháp lần lượt rút khỏi Na Sầm, Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn, Đình Lập… Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi. Qua đó phá thế kìm kẹp của thực dân đối với căn cứ địa Việt Bắc, quân ta từ thế bị động đã giành được thế chủ động trên chiến trường chính.
Tại buổi lễ, các đại biểu và người dân huyện Tràng Định đã xem phóng sự “Tràng Định – Mảnh đất anh hùng xưa và nay”, cùng ôn lại những mốc son lịch sử 70 năm về trước, thể hiện niềm tự hào dân tộc và khát vọng, ý chí vươn lên của quê hương cách mạng.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại lễ kỷ niệm
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Chiến thắng Biên giới Thu – Đông năm 1950 là mốc son lịch sử chói lọi, là kết quả tổng hợp của sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó có đóng góp lớn lao về sức người, sức của, về tinh thần và nghị lực của lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Tràng Định nói riêng.
Đồng chí đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, về giá trị và bài học lịch sử của chiến thắng Biên giới Thu – Đông năm 1950 cho các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia; tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công, thương binh, liệt sỹ…
Các đại biểu thăm và chụp ảnh lưu niệm tại di tích chiến thắng Lũng Phầy, ở xã Chí Minh, huyện Tràng Định
Trong chương trình, các đại biểu đã đến thăm di tích chiến thắng Lũng Phầy, ở xã Chí Minh; di tích chiến thắng Khuổi Slao Bông Lau, ở xã Chi Lăng, di tích Chiến thắng đường số 4, ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định.
Ý kiến ()