Tràng Định: Huy động sức dân phát triển đường giao thông nông thôn
– Tràng Định là huyện vùng cao, biên giới, địa hình rộng và bị chia cắt gây khó khăn trong quá trình phát triển giao thông nông thôn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền và người dân trên địa bàn huyện, 3 năm trở lại đây, công tác phát triển giao thông nông thôn của Tràng Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đề Thám là một trong những xã điển hình của huyện Tràng Định về tuyên truyền, vận động người dân chung sức phát triển giao thông nông thôn. Ông Bế Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đề Thám cho biết: Để tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong quá trình phát triển giao thông nông thôn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn công khai các kế hoạch đến người dân và tổ chức họp lấy ý kiến để người dân thảo luận, bàn bạc, góp ý, tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện. Ngoài tuyên truyền tại các buổi họp thôn, chúng tôi cử cán bộ xã đến trực tiếp từng gia đình để tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của giao thông trong phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với đó là vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền và ngày công, chung sức làm đường giao thông nông thôn.
Nhân dân thôn Nà Noọng, xã Đề Thám chung sức làm đường giao thông tại thôn
Cụ thể, từ năm 2019 đến hết tháng 11/2021, người dân trên địa bàn xã đã đóng góp gần 6.200 ngày công lao động và gần 600 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 5 90 tấn xi măng. Toàn xã đã bê tông hóa được 8,5 km đường trục thôn, ngõ xóm (mặt đường rộng từ 1,2 đến 2 m); nâng tỷ lệ cứng hóa đường trục thôn lên 64,3 %, cứng hóa đường ngõ, xóm lên 52%.
Bà Nông Thị Cỏn, thôn Nà Noọng, xã Đề Thám cho biết: Sau khi được nghe cán bộ xã tuyên truyền, vận động, đầu tháng 11/2021, khi thôn được phân bổ nguồn xi măng từ xã, tôi và gia đình nhất trí và đóng 300 nghìn đồng, góp ngày công cùng các hộ dân trong thôn làm được hơn 300 m đường bê tông xi măng.
Không chỉ riêng ở xã Đề Thám, tại các xã khác trên địa bàn huyện như: Tân Tiến, Chí Minh, Hùng Việt, công tác phát triển giao thông nông thôn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, từ năm 2019 đến hết năm 2020, toàn huyện đã bê tông hóa được gần 100 km đường giao thông nông thôn, trong đó, người dân đóng góp gần 9 tỷ đồng, hiến 57.000 m2 đất và đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã đóng góp được gần 6.000 ngày công và gần 1 tỷ đồng để bê tông hóa 20 km đường giao thông nông thôn.
Ông Nguyễn Như Bình, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định cho biết: Hằng năm, UBND huyện tập trung triển khai chương trình phát triển giao thông nông thôn và thực hiện theo Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐND tỉnh về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn cân đối ngân sách địa phương để phát triển giao thông nông thôn. Cùng với đó, thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã được bê tông hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Ðể có được sự đồng thuận của người dân, chúng tôi phối hợp với chính quyền cơ sở tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến của người dân trước khi triển khai cứng hóa mỗi tuyến đường, người dân vừa đóng góp tiền của vừa chung sức thực hiện và tham gia giám sát để đạt kết quả cao nhất.
Thời gian tới, Phòng Kinh tế – Hạ tầng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn; tăng cường huy động các nguồn vốn, thu hút đầu tư, chú trọng công tác xã hội hoá, vận động người dân góp công sức, tiền của để hoàn thành các tuyến đường, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Hiện nay, tỷ lệ cứng hóa đường GTNT trên địa bàn huyện Tràng Định (gồm các tuyến trục xã, thôn, ngõ xóm) mới chỉ đạt tỷ lệ bình quân khoảng 42%. Trong giai đoạn 2021 – 2025, huyện Tràng Định phấn đấu nâng tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn lên 63,13% (754,5 km/1.115,98km). Trong đó: đường trục xã đạt 65,41%; đường trục thôn đạt 61,03%; đường ngõ, xóm đạt 62,9%… Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của Nhân dân. |
Ý kiến ()