Tràng Định: Hiệu quả xã hội hóa trồng rừng
– Những năm gần đây, huyện Tràng Định đã đẩy mạnh công tác phát triển rừng, trong đó thực hiện hiệu quả việc xã hội hóa trồng rừng. Qua đó, hình thành một số vùng sản xuất rừng tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa mang lại thu nhập cao cho người dân.
Với lợi thế về đất rừng, năm 2011, gia đình ông Mạc Văn Tuấn, thôn Quyết Thắng, xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định đã mạnh dạn đầu tư trồng 2 ha quế. Ông Tuấn cho biết: Trong quá trình trồng và chăm sóc, nhận thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, nên gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng, đến nay đã phát triển được hơn 8 ha. Đầu năm 2020, một phần diện tích quế trồng trước của gia đình tôi đã cho khai thác, thu nhập trên 200 triệu đồng chưa kể bán cành, lá quế.
Người dân xã Hùng Việt chăm sóc rừng
Không chỉ gia đình ông Tuấn, thời gian qua, nhiều hộ dân xã Đoàn Kết đã tận dụng diện tích đồi rừng của gia đình để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Ông Lý Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã đã chủ động đầu tư trồng rừng. Từ năm 2019 đến nay, người dân đầu tư trồng mới 78 ha, dự kiến trong năm 2021 trồng được trên 80 ha rừng. Các diện tích rừng trên địa bàn chủ yếu là cây quế, diện tích hiện nay đạt trên 800 ha, độ che phủ rừng đạt khoảng 70%.
Ngoài xã Đoàn Kết, tại các xã khác của huyện Tràng Định, phong trào trồng rừng cũng phát triển mạnh mẽ, người dân không còn trông chờ vào các dự án hỗ trợ của Nhà nước mà đã chủ động đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, giai đoạn 2016 – 2020, đã có trên 150 dự án của người dân được UBND huyện phê duyệt để vay vốn đầu tư trồng rừng với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng; toàn huyện trồng mới được 7.500 ha rừng, trong đó, khoảng 7.000 ha được trồng bằng nguồn vốn xã hội hóa (chiếm tỷ lệ 93,3%). Trung bình mỗi năm, toàn huyện trồng mới được trên 1.000 ha rừng, riêng năm 2020 là trên 1.400 ha, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng đến nay đạt 63,5% (tăng khoảng 5% so với năm 2016).
Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn huyện Tràng Định đã hình thành một số vùng rừng kinh tế như vùng quế tại các xã: Kim Đồng, Tân Tiến, Đoàn Kết, Cao Minh, Tân Yên với diện tích hơn 4.000 ha; vùng hồi tại các xã: Kim Đồng, Đề Thám, Tri Phương… với diện tích hơn 2.000 ha; vùng keo, bạch đàn tại các xã: Đội Cấn, Trung Thành, Tân Minh…với diện tích trên 1.000 ha.
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế rừng, hằng năm, các cơ quan chuyên môn huyện đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép về phát triển rừng, chuyển giao khoa học kỹ thuật và dạy nghề về trồng rừng (trung bình mỗi năm tổ chức được 10 lớp). Cùng với đó, căn cứ vào thế mạnh của từng địa bàn, hằng năm, UBND huyện giao chỉ tiêu trồng rừng cho các xã, thị trấn; thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để trồng rừng.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng giống cây lâm nghiệp, cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nguồn giống đầu vào, đảm bảo rõ nguồn gốc; hướng dẫn bà con chọn mua cây giống tại các cơ sở uy tín.
Ông Chu Việt Hà, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định cho biết: Những năm qua, công tác xã hội hóa trồng rừng ngày càng được người dân hưởng ứng và phát triển trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần quan trọng vào thực hiện chỉ tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp của huyện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân chủ động huy động vốn, vay vốn các chương trình để mở rộng diện tích rừng.
Hiệu quả từ phát triển kinh tế rừng đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện. Tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực ngành lâm nghiệp của huyện hằng năm tăng khoảng 7%; tổng sản lượng khai thác rừng trồng trong 5 năm qua đạt trên 8.562 m3; nhiều hộ trồng rừng có thu nhập trung bình trên 100 triệu đồng/năm (có hộ thu nhập từ 400 đến hơn 500 triệu đồng/năm từ kinh tế đồi rừng). Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 27,5% (năm 2016) xuống còn 8,51% (năm 2020)
Ý kiến ()