Tràng Định: Hiệu quả từ chăn nuôi trâu, bò
– Trong những năm qua, huyện Tràng Định đã khuyến khích, định hướng người dân phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng bán chăn thả. Hướng đi này đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp bà con tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Khắc Tuy, thôn Bản Chu, xã Hùng Sơn chủ yếu nuôi bò theo hình thức chăn thả tự do, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2018, qua tìm hiểu và được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn huyện, gia đình ông đã chủ động đầu tư trên 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, nhập 12 con bò về nuôi theo hướng bán chăn thả và trồng 1 ha cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho bò. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn bò phát triển ổn định. Ông Tuy cho biết: Từ năm 2020, đàn bò của gia đình tôi luôn duy trì ở mức 20 con, thu nhập từ mô hình đạt trên 200 triệu đồng/năm (cao gấp gần 3 lần so với hình thức chăn thả tự do). Dự kiến, năm tới gia đình tôi sẽ mở rộng quy mô chuồng trại, phát triển đàn bò lên 25 – 30 con/lứa.
Người dân xã Hùng Sơn chăm sóc đàn bò
Cùng với gia đình ông Tuy, phong trào nuôi trâu, bò theo hướng bán chăn thả tại xã Hùng Sơn phát triển mạnh. Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 1.000 con trâu, bò, cơ bản được chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả. Từ mô hình trên, nhiều hộ trong xã có thu nhập hằng năm đạt trên 200 triệu đồng như hộ ông Hoàng Văn Tĩnh (thôn Nà Khoang), ông Nông Văn Thoại (thôn Cốc Càng), ông Hoàng Văn Ái (thôn Pò Bó)…
Ông Ma Chí Mác, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho biết: Để phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả, hằng năm, xã phối hợp với phòng chuyên môn huyện mở từ 2 đến 4 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con. Qua đó, giúp người dân nắm vững các kiến thức từ khâu chọn giống, chăm sóc cho đến phòng, chống dịch bệnh cho đàn trâu, bò.
Không chỉ riêng xã Hùng Sơn, hiện mô hình này được nhân rộng ra nhiều xã khác như: Đại Đồng, Trung Thành, Đội Cấn… Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tràng Định, tính đến tháng 6/2021, toàn huyện có gần 6.000 con trâu, bò. Trong đó chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả bắt đầu phát triển mạnh trong 3 năm trở lại đây. Đến nay, toàn huyện có trên 100 hộ phát triển mô hình nuôi trâu, bò bán chăn thả với thu nhập từ 100 triệu đồng đến trên 150 triệu đồng mỗi năm.
Để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi trâu, bò, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện luôn theo dõi sát sao tình hình đàn vật nuôi, đảm bảo công tác tiêm phòng các loại bệnh cho vật nuôi, đặc biệt là đối với đàn trâu, bò. Ngoài ra, hằng năm huyện đều hỗ trợ kinh phí để tiêm vắc-xin phòng bệnh và tổ chức các lớp tập huấn về phòng, chống dịch bệnh trên đàn trâu, bò cho người dân (trung bình từ 10 đến 15 lớp/năm).
Ông Chu Việt Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mô hình nuôi trâu, bò bán chăn thả là một trong những hướng phát triển kinh tế hiệu quả, cùng với đó, để người dân có sự chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò chúng tôi đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân trồng cỏ voi. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa, hướng đến phát triển các vùng chăn nuôi tập trung. Đồng thời làm tốt công tác dự báo thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi.
Ý kiến ()