Tràng Định: Giữ gìn, phát huy các giá trị di tích vùng an toàn khu
- Trên địa bàn huyện Tràng Định có nhiều di tích lịch sử gắn liền với thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, các cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn luôn đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy giá trị các di tích lịch sử. Những di tích ấy đã trở thành “địa chỉ đỏ”, điểm đến quen thuộc của người dân trong và ngoài huyện đến tham quan, tìm hiểu, góp phần giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ sau.
Theo Quyết định 495/QĐ-TTg ngày 11/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận các xã an toàn khu (ATK), vùng ATK trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Tràng Định được công nhận là vùng ATK với 12 xã, thị trấn gồm: Chí Minh, Chi Lăng, Tri Phương, Đề Thám, Hùng Sơn, Đội Cấn, Đào Viên, Quốc Khánh, Đại Đồng, Kháng Chiến, Hùng Việt và thị trấn Thất Khê.
Trên địa bàn các xã ATK ở Tràng Định có nhiều di tích lịch sử giá trị, gắn liền với những sự kiện lịch sử, quan trọng. Điển hình như cụm di tích đường số 4 với các điểm di tích gắn liền với các trận đánh lịch sử như đèo Bông Lau, đồn Thất Khê, đèo Khách, Bản Trại, dốc Bản Nằm...; di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với sự kiện Bác Hồ đến thăm thị trấn Thất Khê vào ngày 21/2/1961; di tích Cốc Mười – Pác Lùng – Ký Làng (xã Tri Phương) - nơi thành lập Chi bộ Phi Mỹ (chi bộ đảng đầu tiên của Tràng Định) và là nơi in ấn tài liệu, truyền đơn và tài liệu quan trọng, bí mật của Đảng. Bên cạnh đó, còn các điểm di tích khác như thôn Thà Lừa (xã Chí Minh) - nơi Ban lãnh đạo Việt Minh liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng đặt trụ sở làm việc, khu rừng Đông Hua Vài (xã Hùng Sơn) đã được Ban Việt minh Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng đặt trường “Quân chính kháng Nhật, Pháp”...
Hiện nay, huyện có 10 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đây là những "địa chỉ đỏ" để giáo dục cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh quật cường trong cuộc chiến chống thực dân Pháp.
Tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương, thời gian qua, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện luôn quan tâm giữ gìn, phát huy các giá trị các di tích lịch sử. Một số di tích đã được quan tâm tu sửa, nâng cấp như Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị trấn Thất Khê được đầu tư kinh phí gần 1,8 tỷ đồng. Tại các xã có các điểm di tích, đoàn viên, thanh viên thường xuyên tổ chức quét dọn, thu gom rác thải, phát quang tôn tạo di tích.
Cùng đó, các cấp, ngành trên địa bàn đã quan tâm chú trọng việc tổ chức các hoạt động về nguồn, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa tại các "địa chỉ đỏ" để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh hiểu thêm về lịch sử, khơi dậy niềm tự hào và khao khát cống hiến, đóng góp xây dựng quê hương.
Tại di tích hang Cốc Mười - Pác Lùng - Ký Làng, hằng năm diễn ra nhiều hoạt động giáo dục truyền thống của các trường học, cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện. Tháng 4/2024, Chi bộ cơ quan Huyện ủy đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề “tham quan, học tập lịch sử truyền thống địa phương tại Pác Lùng – Ký Làng (thôn Cốc Mười, xã Tri Phương), nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Tràng Định”. Tại buổi sinh hoạt, các đảng viên chi bộ đã được ôn lại truyền thống 86 năm lịch sử vẻ vang của Chi bộ Phi Mỹ - chi bộ đảng đầu tiên của huyện. Bà Lương Thu Hương, đảng viên chi bộ cho biết: Đây là buổi sinh hoạt chuyên đề thiết thực, ý nghĩa, giúp chúng tôi hiểu hơn về chặng đường phát triển vẻ vang của Đảng bộ huyện, những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tràng Định đối với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Là đảng viên, đoàn viên trẻ, bản thân tôi luôn tự hào về truyền thống quê hương và luôn tự nhủ phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu, xung kích đi đầu trong các hoạt động, trong đó sẽ tích cực tham gia các hoạt động chăm lo, hỗ trợ gia đình chính sách; bảo vệ, giữ gìn các khu di tích, bia tưởng niệm...
Ngoài di tích Cốc Mười - Pác Lùng - Ký Làng, các di tích trên đường số 4 hay nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là những "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống và là điểm dừng chân với nhiều du khách khi đến với huyện. Trung bình mỗi năm, huyện đón từ 10.000 - 20.000 lượt khách du lịch.
Ông Hoàng Anh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tràng Định cho biết: Những di tích trên địa bàn huyện đều ghi dấu những sự kiện và gắn với các thời kỳ lịch sử quan trọng. Việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị di tích là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người dân. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện sẽ tiếp tục quan tâm tôn tạo, tu sửa, nâng cấp các di tích, phát huy giá trị các di tích gắn liền với việc khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện như du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch về nguồn. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phát triển du lịch huyện theo hướng bền vững.
Ý kiến ()