Tràng Định: Dồn lực ngăn dịch tả lợn Châu Phi; cúm gia cầm A/H5N6
LSO-Từ ngày 20/4/2019 đến ngày 5/5/2019, trên địa bàn huyện Tràng Định xảy ra bệnh cúm gia cầm A/H5N6; bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một số xã, thị trấn. Tình hình dịch bệnh có chiều hướng lây lan rộng, hiện nay, công tác phòng chống, dập dịch được huyện tích cực triển khai với các giải pháp đồng bộ.
Lực lượng chức năng tiêu hủy đàn lợn bị mắc bệnh
tại xã Đề Thám, huyện Tràng Định
Những ngày đầu tháng 5/2019, chúng tôi có mặt tại xã Đại Đồng (huyện Tràng Định), một số tuyến đường các thôn tiếp giáp với đường quốc lộ 4A đều có các chốt kiểm soát dịch bệnh động vật.
Tại thôn Cốc Phát, ngay đầu thôn thành lập 1 chốt kiểm dịch động vật, ông Nông Quốc Chiến, lực lượng trực tại chốt cho biết: Chúng tôi thành lập tổ trực, thay phiên nhau trực chốt 24/24 giờ, ngăn chặn không cho tất cả các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm từ vùng dịch ra thị trường; phun tiêu độc khử trùng các phương tiện từ vùng dịch đi ra.
“Chốt chặn được thành lập và hoạt động ngay sau khi UBND huyện công bố dịch cúm gia cầm A/H5N6 (từ 26/4/2019) trên địa bàn đến nay”- ông Chiến cho biết thêm.
Lực lượng chức năng phun tiêu độc khử trùng các phương tiện
từ vùng dịch đi ra tại xã Đại Đồng, huyện Tràng Định
Không chỉ thành lập chốt kiểm dịch tạm thời, công tác phun tiêu độc khử trùng, tiêu hủy tại các thôn bị dịch và thôn lân cận được tích cực triển khai. Tính đến ngày 5/5, trên địa bàn xã Đại Đồng có 2 thôn (Phiêng Luông, Nà Phục) có gia cầm (gà, vịt) bị nhiễm cúm A/H5N6; có 15/23 thôn có lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau khi có kết quả đàn lợn, gia cầm bị nhiễm bệnh dịch như trên, UBND xã triển khai đồng bộ các giải pháp như: thành lập 6 chốt kiểm dịch động vật tại các thôn, phun tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn, gia cầm bị bệnh… Cụ thể, tiến hành tiêu hủy gần 33 tấn lợn tại 13 thôn có lợn bị nhiễm bệnh; tiêu hủy 2.183 kg gà, vịt trên 1 tháng tuổi, 850 con gà, vịt dưới 1 tháng tuổi, 550 quả trứng; phun trên 240 lít hóa chất tiêu độc khử trùng; rắc 2.000 kg vôi bột.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: Từ khi xảy ra dịch bệnh trên đàn lợn, gia cầm đến nay, UBND xã chỉ đạo đồng bộ các biện pháp để khống chế, dập dịch. Qua đó, đến ngày 5/5, dịch cúm gia cầm A/H5N6 được khống chế, không phát sinh thêm ổ bệnh mới so với thời điểm phát sinh ban đầu.
Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi, xã huy động cán bộ, công chức xã, lực lượng thôn đội trưởng, dân quân, công an viên và lực lượng tại chỗ tham gia trực các chốt 24/24 giờ, tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh theo quy định; phun tiêu độc khử trùng tại các thôn. Đồng thời tuyên truyền nhân dân thực hiện 5 không (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt); chủ động mua vôi bột về rắc tại khu vực chuồng nuôi nhốt của gia đình;…
Không chỉ xã Đại Đồng, công tác phòng chống, dập dịch được thực hiện khẩn trương, tích cực các giải pháp tại các xã, thị trấn trong toàn huyện. Tại xã Đề Thám, UBND xã đã thành lập 3 chốt kiểm dịch động vật tạm thời, phun 168 lít hóa chất tiêu độc khử trùng, rắc gần 3.300 kg vôi bột, tiêu hủy lợn bị bệnh với tổng trọng lượng gần 14.000 kg. Tính đến ngày 5/5, xã có 6 thôn có lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi, hiện xã tiếp tục chỉ đạo các biện pháp phòng chống, dập dịch.
Huyện Tràng Định xảy ra dịch cúm gia cầm A/H5N6 đầu tiên tại xã Đại Đồng, công bố dịch ngày 26/4/2019; bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm đầu tiên tại xã Đề Thám, ngày 29/4/2019, huyện công bố dịch. Tính đến ngày 5/5/2019, dịch cúm gia cầm A/H5N6 được khống chế, không phát sinh ổ dịch mới. Đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 7 xã, thị trấn gồm: Đề Thám, Đại Đồng, Chi Lăng, Kháng Chiến, Quốc Việt, Tri Phương, thị trấn Thất Khê.
Để phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các giải pháp phòng chống, dập dịch trên địa bàn; tổ chức hội nghị trực tuyến với UBND các xã, thị trấn để chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt phòng, chống, dập dịch;… Qua đó, các giải pháp được triển khai quyết liệt, thành lập 9 chốt kiểm dịch động vật; cơ quan chuyên môn, UBND các xã thị trấn đã tiêu hủy 1.026 con lợn bị bệnh với tổng trọng lượng trên 50.000 kg; phun trên 550 lít hóa chất tiêu độc khử trùng, rắc trên 6.300 kg vôi bột.
Ông Lý Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để phòng chống, dập dịch cúm gia cầm A/H5N6, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, UBND huyện đã và đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn, ngành chức năng quyết liệt thực hiện các biện pháp. Trong đó, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về vật tư như: hóa chất phun tiêu độc khử trùng, vôi bột; sử dụng lực lượng phòng chống, dập dịch tại chỗ; tuyên truyền nhân dân thực hiện “5 không”. Đồng thời, chủ động mua thuốc về phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột khu vực chăn nuôi;…
“Huyện sẽ chỉ đạo thực hiện các biện pháp một cách quyết liệt, đồng bộ, tối đa theo khả năng của huyện. Qua đó, nhằm khoanh vùng, ngăn chặn, dập dịch hiệu quả.”- Ông Lâm nhấn mạnh.
ĐỖ HOẠT - TRANG VÂN
Ý kiến ()