Biết thế, nhưng hiện nay nhiều hộ đã không còn mặn mà với cây thạch nữa, cứ gieo rồi cuối vụ thu được mấy thì thu, cây thạch cứ thế mất dần diện tích, sản lượng và đứng trước nguy cơ mất vị trí chủ lực nếu không có những biện pháp “giải cứu” kịp thời. Nói là “giải cứu” nhưng hiện nay cũng chưa có biện pháp cụ thể nào được đưa ra, vì giá thạch không do người trồng, không do đại lý thu mua quyết định.
LSO-Tràng Định đang vào mùa thu thạch đen, nhưng dường như năm nay không khí mua bán, thu gom tại thị trấn Thất Khê không còn được sôi động như trước. Hai năm gần đây, giá cây thạch lên xuống quá thất thường, nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng sắn cao sản…
|
Các chủ đại lý thu mua thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định |
Theo báo cáo của UBND huyện Tràng Định, diện tích trồng thạch đen năm nay chỉ đạt 1.450 ha (trung bình khoảng 2000 ha) đạt 72,5% kế hoạch năm và bằng 72,5% so với cùng kỳ năm 2010. Nguyên nhân chính là do giá thạch đen năm 2010 giảm mạnh nên nhiều hộ đã chuyển sang các loại cây trồng khác, đặc biệt là cây sắn cao sản. Từ đầu năm tới nay, diện tích sắn toàn huyện đã đạt con số trên 1.200 ha, đạt 163,8% kế hoạch và tăng 62% so với cùng kỳ năm 2010. Các loại hoa màu khác như rau, đậu, khoai tây cũng tăng mạnh. Chưa biết sự chuyển dịch này có đúng hướng hay không, nhưng có một thực tế rất rõ ràng là cây thạch đang dần mất đi thế chủ lực trong cơ cấu giống cây trồng của huyện.
Không thể phủ nhận rằng: trong nhiều năm trở lại đây, cây thạch đã đem lại những giá trị kinh tế rất lớn cho huyện, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ loại cây trồng rất hợp đất Tràng Định này. Nhưng cũng như nhiều loại nông sản khác, giá thu mua thạch hằng năm lên xuống rất thất thường, thời điểm được giá, 1kg thạch khô có thể được bán trên 20 nghìn đồng, nhưng mới vụ năm ngoái thôi, giá thạch rớt xuống chỉ còn từ 5 đến 7 nghìn đồng/kg. Mất kiên nhẫn với cây thạch, nhiều hộ đã kiên quyết phá bỏ để tiếp tục “cầu may” với cây sắn cao sản.
Chở nhau bằng xe máy, ôm một bó thạch khô khoảng 50 kg từ xã Đại Đồng ra thị trấn Thất Khê bán, vợ chồng chị Nông Thị Sén cho biết đó là toàn bộ số thạch ruộng ít ỏi mà gia đình còn giữ lại, hơn 1ha nương trồng thạch trước kia giờ đã nhường chỗ cho cây sắn cao sản. Một đại lý mua số thạch của vợ chồng chị Sén với giá 12 nghìn đồng 1kg. Chị thở dài thườn thượt: “Thạch ruộng đầu mùa mà bán được 12 là “ngon” rồi, thạch nương cao giá hơn biết đâu lại lên 18 – 19 thì tiếc lắm”. Anh chồng đứng bên cạnh làu bàu: “Tiếc gì, nhỡ đâu sắn lại được giá hơn thì sao, biết trước thì có mà giàu lâu rồi lố!”
Câu chuyện mang đầy những dấu hỏi ấy cũng là câu chuyện nóng ở thị trấn Thất Khê những ngày đầu mùa thạch. Dạo một vòng khảo giá, tại các đại lý thu gom thạch khô lớn nhất thị trấn như đại lý Chinh Sanh, Ky Lệ, Hải Kính, Yến Sinh… giá thạch dao động từ khoảng 11 – 12 nghìn/kg tùy mã hàng. Chị Yến, chủ đại lý Yến Sinh cho biết: Giá thạch mấy năm nay lên xuống rất thất thường. Do phần lớn thạch đều xuất bán sang Trung Quốc nên giá nhập thường do các đầu mối bên kia quyết định. Là đại lý thu mua, chúng tôi hay bị cho là ép giá bà con nông dân nhưng thực tế là chính chúng tôi cũng mong thạch được giá để bà con còn chuyên tâm, chứ rớt giá mãi, bà con bỏ cây thì cũng chẳng còn cái nghề thu gom thạch nữa. Thực ra thì thạch đã có dấu hiệu tăng giá trở lại vào thời điểm tháng 5/2011 khi một số hộ giữ lại thạch từ mùa trước không bán do giá thấp đã xuất bán được giá từ 15 – 17 nghìn/kg, nhưng có biết vậy thì giờ nhiều hộ cũng không xoay kịp vì “đã trót” phủ sắn cao sản lên diện tích cây thạch rồi.
Thạch đen được xác định là cây trồng chủ lực của huyện Tràng Định trong những năm gần đây, tuy nhiên, những người gắn bó với cây thạch đều biết đây là loại cây trồng cần sự chuyên tâm đặc biệt, thạch rất “ngốn” phân lân và phải thường xuyên làm cỏ thì mới cho sản lượng cao. Trồng thạch mà bỏ đấy thì cuối vụ chỉ thu về cỏ là chủ yếu.
Biết thế, nhưng hiện nay nhiều hộ đã không còn mặn mà với cây thạch nữa, cứ gieo rồi cuối vụ thu được mấy thì thu, cây thạch cứ thế mất dần diện tích, sản lượng và đứng trước nguy cơ mất vị trí chủ lực nếu không có những biện pháp “giải cứu” kịp thời. Nói là “giải cứu” nhưng hiện nay cũng chưa có biện pháp cụ thể nào được đưa ra, vì giá thạch không do người trồng, không do đại lý thu mua quyết định.
Suốt dọc đường, nhìn những nương sắn bạt ngàn do bà con mới trồng, chúng tôi chỉ ước sao cây sắn sẽ không bị rơi vào tình cảnh như cây thạch hiện nay. Chỉ ước thôi, nhưng có lẽ đó cũng sẽ là điều bất khả thi, bởi sắn lát khô sau thu hoạch cũng sẽ được xuất bán theo đúng cách thức và con đường mà cây thạch Tràng Định đã trải qua…
Cây thạch đen không nhãn mác của Tràng Định sau khi xuất sang Trung Quốc sẽ được các cơ sở chế biến phân loại, lựa chọn, cắt ngắn, bó gọn 2 kg một gói, đóng bao bì và dán nhãn hiệu rồi xuất bán sang thị trường Hồng Kông, Đài Loan… với giá cao gấp nhiều lần giá nhập. Và cũng ít ai biết, trong các thành phần sản xuất ra nhãn hàng trà thảo mộc Dr.Thanh nổi tiếng cả nước có một phần nguyên liệu chiết xuất từ cây thạch đen Tràng Định được nhập chủ yếu qua đại lý Chinh Sanh, thị trấn Thất Khê – điểm thu mua thạch lâu năm và lớn nhất huyện Tràng Định. |
Trúc Lam
Ý kiến ()