Tràng Định: Chú trọng điều động, luân chuyển cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
- Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 về công tác cán bộ, những năm qua, Huyện ủy Tràng Định đã chú trọng công tác điều động, luân chuyển cán bộ từ huyện về giữ chức vụ chủ chốt cấp xã và luân chuyển cán bộ chủ chốt giữa các xã, thị trấn. Qua đó vừa tạo luồng gió mới cho cơ sở vừa góp phần rèn luyện đội ngũ cán bộ.
Xác định công tác điều động, luân chuyển cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, Huyện ủy Tràng Định đã xây dựng kế hoạch, rà soát, lựa chọn kỹ lưỡng đảm bảo đúng quy trình, đúng người, đúng việc. Đây cũng là một trong số đơn vị có lượt điều động, luân chuyển cán bộ nhiều nhất của tỉnh.
Tạo luồng gió mới cho cơ sở
Năm 2022, xã Chi Lăng, huyện Tràng định được cấp trên chỉ đạo phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Ngoài việc tăng cường các nguồn lực, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng quan tâm điều động, luân chuyển cán bộ từ huyện về xã. Cụ thể là điều động, luân chuyển ông Nông Anh Đức, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã.
Nhớ lại thời điểm đó, ông Đức chia sẻ: Đến tháng 9/2022, xã Chi Lăng mới đạt 9/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Ngay sau khi nhận công tác, tôi cùng Đảng ủy xã đã rà soát các tiêu chí chưa đạt và vạch ra lộ trình, tập trung vận động người dân cùng chung tay thực hiện trước những tiêu chí được coi là đơn giản hơn. Điển hình như việc nâng cấp mở rộng các nhà văn hóa thôn (bấy giờ có 5/7 thôn có nhà văn hóa chưa đạt chuẩn). Để vận động người dân hiến đất và đóng góp tiền mở rộng nhà văn hóa, làm sân thể thao, tôi đã trực tiếp phối hợp đi tuyên truyền, vận động, đối thoại trong đó có những thôn, chúng tôi đến 8 lần mới tạo được sự đồng thuận, nhất trí của người dân. Về cơ sở làm việc, tôi chú trọng củng cố khối đoàn kết trong tập thể lãnh đạo, đảng ủy, phân công giao việc cụ thể, rõ ràng; bản thân luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, gần dân, lắng nghe và luôn đặt lợi ích của tập thể, của người dân lên trên hết.
Với sự quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân xã, sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, cuối năm 2022 xã Chi Lăng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, xã tiếp tục duy trì các tiêu chí này và năm nay xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Không chỉ luân chuyển cán bộ từ huyện về cơ sở, trong nhiệm kỳ này, Huyện ủy Tràng Định còn đẩy mạnh công tác điều động, luân chuyển cán bộ chủ chốt giữa các xã, thị trấn, tạo môi trường để cán bộ tiếp tục rèn luyện, phát huy năng lực, sở trường.
Hiện toàn huyện có 16/22 xã, thị trấn có bí thư đảng uỷ không phải người địa phương. Đây cũng là huyện đi đầu trong việc điều động, luân chuyển cán bộ chủ chốt giữa các xã, thị trấn gắn liền với việc thực hiện chủ trương bố trí bí thư đảng uỷ không phải người địa phương.
Điển hình như tại xã Đào Viên, năm 2020, ông Dương Văn Đức, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Minh được điều động, luân chuyển giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Đào Viên.
Theo ông Trần Văn Công, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đào Viên, từ khi ông Đức về công tác, xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử ông đã có sự phân công phân nhiệm rõ người, rõ việc, rõ thời gian; lấy kết quả công việc để đánh giá xếp loại cuối năm đối với các cán bộ, công chức xã, nhờ đó tinh thần trách nhiệm mỗi người đều được nâng lên. Ông Đức cũng tích cực bám sát địa bàn, cùng tập thể đảng ủy xã định hướng người dân chuyển đổi sang một số cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả hơn, tiêu biểu như đẩy mạnh phát triển cây sa nhân và trồng rừng. Hiện diện tích trồng sa nhân của xã đã tăng lên hơn 75 ha; keo, bạch đàn mỗi năm trồng mới được hơn 80 ha..., qua đó thu nhập của người dân được nâng lên. Hiện nay toàn xã chỉ còn hơn 9% hộ nghèo, giảm khoảng 15% so với năm 2020.
Cùng với 2 cán bộ trên, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã điều động, luân chuyển 12 cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, đoàn thể, đơn vị của huyện về giữ các chức vụ chủ chốt cấp xã và luân chuyển 15 lượt cán bộ chủ chốt giữa các xã, thị trấn.
Công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã thổi luồng gió mới cho cơ sở, nhiều cơ sở đã đổi mới phương pháp làm việc, có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, điển hình như tại các xã: Đào Viên, Chi Lăng, Đề Thám... Không chỉ vậy, qua công tác này cũng tạo môi trường mới để các cán bộ công tác và tiếp tục rèn luyện, trau dồi bản thân, tích lũy kinh nghiệm và phát huy năng lực của mình.
Tạo môi trường giúp cán bộ trưởng thành
Nếu như làm việc tại các phòng, ban của huyện, các cán bộ được phân công phụ trách công việc chuyên môn thì khi được điều động, luân chuyển về cơ sở, cán bộ sẽ phải bao quát toàn diện các lĩnh vực, trực tiếp chỉ đạo, triển khai toàn bộ các nhiệm vụ chính trị của cơ sở... Bởi vậy, về cơ sở là thời gian để các cán bộ học hỏi, rèn luyện nâng cao năng lực, kiến thức, bản lĩnh của bản thân và thấu hiểu hơn địa bàn, đời sống người dân để từ đó có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác.
Tương tự, đối với các cán bộ chủ chốt được luân chuyển từ xã này đến xã khác cũng phải chủ động tìm hiểu địa bàn mới, khai thác và phát huy được thế mạnh ở địa bàn công tác mới...
Có thể nói, cơ sở là môi trường quan trọng rèn luyện và giúp cán bộ trưởng thành hơn, đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Một số đồng chí sau khi được điều động, luân chuyển qua môi trường cơ sở đã trưởng thành và được bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng tại huyện.
Trường hợp ông Đinh Khắc Hiển là ví dụ điển hình. Từ vị trí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, tháng 3/2022, ông Hiển được điều động, luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Đề Thám. Tại cơ sở, ông đã phát huy năng lực, sở trường, được rèn luyện, trưởng thành và được cấp trên ghi nhận. Tháng 7/2023, ông được điều động, luân chuyển và bổ nhiệm chức vụ Trưởng Phòng Nội vụ huyện.
Ông Hiển chia sẻ: Qua quá trình làm việc tại xã, bản thân tôi đã học hỏi, tích lũy thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn quan trọng, bao quát được công việc trên các lĩnh vực. Đây là nền tảng, là cơ sở quan trọng để tôi vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ được giao, tham mưu Huyện ủy, UBND huyện những công việc thuộc ngành nội vụ.
Qua công tác điều động, luân chuyển, nhiều cán bộ, nhất là cán bộ trẻ đã được rèn luyện, trưởng thành hơn. Đặc biệt, với việc điều động, luân chuyển ngang giữa cán bộ chủ chốt cấp xã cũng đã tạo môi trường làm việc mới, để các cán bộ tiếp tục nỗ lực, đổi mới, phát huy năng lực, kinh nghiệm công tác, khắc phục tình trạng cục bộ, bè phái, tư tưởng chủ quan, ỷ lại khi đã công tác quá lâu năm tại một địa bàn.
Ông Hoàng Anh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tràng Định cho biết: Xuất phát từ thực tiễn, chúng tôi luôn chú trọng việc luân chuyển cán bộ từ huyện xuống cơ sở và ngược lại, đồng thời chú trọng công tác luân chuyển cán bộ chủ chốt giữa các xã, thị trấn theo chủ trương bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương. Qua theo dõi và đánh giá, các cán bộ được điều động, luân chuyển đều tích cực, chủ động bám sát địa bàn, nỗ lực và phát huy được năng lực, sở trường công tác, đóng góp quan trọng vào chuyển biến tích cực tại địa bàn, góp phần chung vào sự phát triển của huyện.
"Công tác cán bộ là then chốt của then chốt", công tác này đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng Đảng vững mạnh. Bởi vậy, việc chuẩn hóa công tác luân chuyển cũng là điều kiện cần để tạo nguồn cán bộ vừa hồng vừa chuyên, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Thời gian tới, Huyện ủy Tràng Định tiếp tục rà soát, điều động, luân chuyển cán bộ, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ uy tín, phát huy được năng lực, sở trường, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng huyện ngày càng phát triển, giàu đẹp.
Ý kiến ()