Tràng Định: Bảo tồn, phát triển giống lê địa phương
(LSO) – Cây lê vốn là cây trồng bản địa của huyện Tràng Định có nhiều ưu điểm như: năng suất cao, chất lượng quả tốt, thời gian sau thu hoạch để được lâu hơn các loại quả khác… Những năm gần đây, từ các đề tài nghiên cứu khoa học, người dân đã bảo tồn và phát triển cây lê, góp phần khai thác thế mạnh, tiềm năng của huyện.
Huyện Tràng Định có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển cây lê. Thời điểm năm 1990, hầu như trong huyện nhà nào cũng có một vài gốc lê sai trĩu quả. Khi đó, cây lê tập trung nhiều ở các xã: Quốc Khánh, Đội Cấn, Tri Phương, Đào Viên, Tân Minh, Chí Minh…
Tuy nhiên, một thời gian sau, cây lê ngày càng ít quả, quả nhỏ và chất lượng quả không cao. Năm 2010, UBND huyện Tràng Định đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai dự án “Phục tráng cây lê nâu bản địa”. Thực hiện dự án, người dân ở 3 xã: Đội Cấn, Quốc Khánh, Tri Phương đã được hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây.
Người dân xã Đội Cấn thu hoạch lê
Sau 3 năm thực hiện dự án, toàn huyện đã trồng được 150 ha lê như dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, ngay sau đó diện tích cây lê sụt giảm do người dân không quan tâm, chăm sóc. Bên cạnh đó, vì diện tích trồng không tập trung; giá quả thời điểm đó thấp và cây lê giống bản địa trồng phải mất từ 5 – 6 năm mới cho thu hoạch nên người dân không mặn mà chăm bón…
Để góp phần nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cây lê, năm 2015, Viện Nghiên cứu Rau quả đã đưa một số giống lê mới (lê Đài Loan) và một số cây giống lê bản địa ghép với giống mới để trồng thử nghiệm tại 3 xã: Đội Cấn, Tri Phương, Quốc Khánh. Sau khi trồng từ 2 – 3 năm cây đã bắt đầu cho thu hoạch.
Ông Hoàng Văn Khi, thôn Nà Khau, xã Đội Cấn cho biết: Gia đình tôi hiện có hơn 200 cây lê, một số trồng từ năm 1990, số còn lại được trồng năm 2015 do Viện Nghiên cứu rau quả cấp giống. Từ khi được Viện Nghiên cứu Rau quả cấp cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, vít cành, cây lê bản địa và các giống lê mới đều cho năng suất cao, chất lượng quả tốt. Hiện nay, cây sai quả nhất của nhà tôi cho thu hoạch từ 1 đến 2 tạ quả/cây. Còn các cây mới trồng cho thu hoạch khoảng 15 đến 20 kg quả/cây. Năm nay tôi đã bán được hơn 1 tạ quả với giá từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Dự kiến đến cuối vụ còn khoảng hơn 2 tạ nữa. Khách đã đặt trước, có bao nhiêu họ cũng lấy nên tôi đang tranh thủ thu hoạch để bán.
Bà Lê Thị Mỹ Hà, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Rau quả, thư ký dự án cho biết: Năm 2015, chúng tôi đưa một số giống lê mới vào trồng tại huyện. Đến nay, theo đánh giá bước đầu, các giống đưa vào trồng đều thể hiện tính thích ứng cao. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi, lai tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con để đánh giá, chọn lọc những giống cây, quy trình kỹ thuật phù hợp nhất để chuyển giao cho bà con trong những năm tiếp theo.
Thực tế cho thấy: đối với các cây lê giống mới cũng như cây giống bản địa của huyện chỉ cần chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật sẽ cho năng suất rất cao. Trong đó, với các cây ghép chỉ sau 2 -3 năm trồng đã cho thu hoạch quả. Hiện nay, các hộ thực hiện dự án cơ bản đã bước đầu có thu nhập từ cây lê. Đặc biệt, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất và chất lượng quả được nâng lên rất nhiều.
Ông Từ Trọng Hiếu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tràng Định cho biết: Hiện nay, toàn huyện có khoảng 15 ha lê, tập trung ở 3 xã: Đội Cấn, Quốc Khánh, Tri Phương. Năm 2019, trong Đề án “Phát triển Nông lâm nghiệp, thủy sản của huyện giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030”, UBND huyện đã quy hoạch, định hướng phát triển cây ăn quả, trong đó có cây lê. Thời gian tới, phòng sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người dân trồng cây lê bản địa. Đồng thời, phối hợp với các xã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách trồng và chăm sóc cây ăn quả, đặc biệt là cây lê để vừa bảo tồn được giống cây ăn quả đặc sản địa phương, vừa giúp bà con nâng cao thu nhập.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()