Trang bị kiến thức an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên
Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp các ngành, các cấp chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như đưa giáo dục An toàn giao thông lồng ghép vào chương trình giảng dạy chính khóa ở các cấp học và chỉ đạo, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông.
Chiều 27/3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo về tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp các ngành, các cấp chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: đưa giáo dục An toàn giao thông lồng ghép vào chương trình giảng dạy chính khóa ở các cấp học và chỉ đạo, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên. Bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, đã có sự chuyển biến về nhận thức trong học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục đã có quyết tâm thực hiện và có những giải pháp cụ thể nhằm kiềm chế tai nạn khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông còn diễn biến phức tạp, điển hình là các vi phạm như: phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô-tô, xe gắn máy tham gia giao thông; học sinh trung học phổ thông điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe vẫn còn xảy ra.
Nhằm hướng đến các giải pháp tháo gỡ, khắc phục tình trạng nêu trên, hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn và xây dựng văn hóa giao thông. Ngoài ra, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và giáo viên chủ nhiệm trong các khâu: Chỉ đạo, điều hành; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, cần đánh giá về chương trình, nội dung tài liệu, thời lượng giảng dạy chính khóa, thời lượng giảng dạy và thời lượng tổ chức các hoạt động ngoại khóa về giáo dục an toàn giao thông hiện hành.
Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị các cơ sở giáo dục cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên. Cần quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật phù hợp với những trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông để kịp thời nhắc nhở, giáo dục học sinh và thông báo cho tất cả phụ huynh biết để cùng thực hiện.
Thông tin tại hội thảo, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết: Theo thống kê năm 2023, nếu chúng ta tính 7,8% số nạn nhân, thương vong do tai nạn giao thông là ở độ tuổi trẻ em thì có khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1.200 bị thương. Trong số đó có nhiều trẻ em là học sinh bậc trung học phổ thông. Vì vậy, việc tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục trung học phổ thông là điều vô cùng cần thiết.
Trong công tác phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có việc tổ chức thí điểm khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quy định pháp luật, về kỹ năng lái xe cho học sinh phổ thông và tổ chức sát hạch như việc cấp giấy phép lái xe để các em thử thực hiện, thực hành các kỹ năng trước khi đủ tuổi cấp giấy phép thật.
Với mong muốn đối tượng học sinh, sinh viên có hiểu biết về pháp luật, về kỹ năng lái xe an toàn, được trang bị kiến thức đầy đủ khi tham gia giao thông, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, cần định hướng, trang bị cho các công dân về đạo đức tham gia giao thông, về niềm tin, tư tưởng thượng tôn và tuân thủ pháp luật. Đây là hoạt động hằng ngày, hằng giờ, cần được rèn luyện, nhận thức để hình thành thói quen, hành vi đúng quy định của pháp luật.
Tại hội thảo, đại biểu đến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh, Cục Cảnh sát giao thông... đã trình bày các tham luận về công tác chỉ đạo quản lý, triển khai thực hiện bảo đảm an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục, phối hợp các cơ quan chức năng triển khai thực hiện các mô hình giáo dục an toàn giao thông...
Ý kiến ()