LSO-Đã nhiều năm qua, cứ gần đến thời kỳ thu hoạch, nhìn những ruộng lúa vàng óng ả những tưởng người nông dân ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tràng Định sẽ có được mùa vàng bội thu. Nhưng thực tế thì bà con nơi đây lại thường xuyên phải thu hoạch những vụ mùa “đắng” bởi dịch chim, chuột tàn phá nặng nề khi lúa mùa đang thời kỳ chín rộ. Hiện nay, những trà lúa mùa mới đang thì con gái, còn vài tháng nữa mới đến mùa thu hoạch. Nhưng tôi đã nung nấu, đợi đến thời điểm này để nói lên những trăn trở của bà con nông dân các xã vùng cao Tràng Định về vụ mùa thất bát ở nơi đây. Không giống như các địa phương khác, năng suất lúa của các xã vùng cao như: Khánh Long, Tân Yên…đạt rất thấp, thậm chí một số thửa ruộng, bà con chỉ có thể thu hoạch bằng cách lựa chọn những bông lúa còn sót lại, cá biệt có thửa không thu hoạch được chút nào. Không phải mất mùa do hạn hán, cũng không phải mất mùa do...
LSO-Đã nhiều năm qua, cứ gần đến thời kỳ thu hoạch, nhìn những ruộng lúa vàng óng ả những tưởng người nông dân ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Tràng Định sẽ có được mùa vàng bội thu. Nhưng thực tế thì bà con nơi đây lại thường xuyên phải thu hoạch những vụ mùa “đắng” bởi dịch chim, chuột tàn phá nặng nề khi lúa mùa đang thời kỳ chín rộ.
Hiện nay, những trà lúa mùa mới đang thì con gái, còn vài tháng nữa mới đến mùa thu hoạch. Nhưng tôi đã nung nấu, đợi đến thời điểm này để nói lên những trăn trở của bà con nông dân các xã vùng cao Tràng Định về vụ mùa thất bát ở nơi đây. Không giống như các địa phương khác, năng suất lúa của các xã vùng cao như: Khánh Long, Tân Yên…đạt rất thấp, thậm chí một số thửa ruộng, bà con chỉ có thể thu hoạch bằng cách lựa chọn những bông lúa còn sót lại, cá biệt có thửa không thu hoạch được chút nào. Không phải mất mùa do hạn hán, cũng không phải mất mùa do lũ lụt hay do sâu bệnh phá hoại khi lúa đang ở giai đoạn làm đòng, trổ bông…những đồng lúa của các xã vùng cao này vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, bông chắc mẩy, hạt căng tròn vàng óng. Tuy nhiên, cứ đến gần ngày thu hoạch thì dịch chim, chuột từ trên rừng tràn xuống tàn phá đồng ruộng của bà con thật hãi hùng. Nhiều thửa ruộng sau một đêm bị chuột phá hoại chỉ còn thân cây trơ trọi, bông lúa xác sơ. Tôi còn nhớ như in hình ảnh bà con nông dân xã Khánh Long với khuôn mặt rám nắng, nặng trĩu âu lo khi vừa thu hoạch xong vụ mùa năm 2008. Lẽ ra khi kết thúc một mùa vụ thì ngô, lúa chất đầy nhà, nhưng do bị dịch chim, chuột phá hoại, hộ nào cấy nhiều cũng chỉ thu được vài bao thóc, có hộ thu được không đáng kể. Và việc phải lên rừng hái củi, bẻ măng…đi bán để có tiền đong gạo ăn đã trở thành chuyện thường ngày. Nhiều hộ bị thiếu đói giáp hạt, có hộ thiếu đói lên đến vài tháng.
|
Nông dân các xã vùng cao Tràng Định treo hình nộm, túi nilông trên đồng ruộng để xua đuổi chim, chuột phá hoại |
Cũng như xã Khánh Long, ở xã vùng cao Tân Yên, vụ mùa cũng bị dịch chim, chuột tàn phá nặng nề, có năm năng suất đạt chưa đầy 30tạ/ha. Vụ mùa năm 2009, đã có ruộng lúa bà con không thu hoạch được chút nào vì bị chim, chuột phá hoại. Đưa chúng tôi đi thăm thửa ruộng người dân không buồn thu hoạch bởi số bông còn sót lại không đáng là bao, ông Dương Văn Hinh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Yên cho biết: những năm qua, nhờ áp dụng tiến bộ KHKT nên lúa sinh trưởng, phát triển rất tốt. Nhưng cứ đến gần thời kỳ thu hoạch thì lại xuất hiện dịch chim, chuột tàn phá dữ dội, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người nông dân.
Để hạn chế đàn chim, chuột từ trên rừng tràn xuống đồng ruộng phá hoại mùa màng, người nông dân đã tích cực làm những hình nộm, treo túi nilông xua đuổi, hoặc đặt ống tre, nứa để bẫy chuột dọc các chân ruộng. Nhiều hộ cho biết, số lượng chuột sa vào bẫy cũng rất lớn, tuy nhiên không đáng kể gì so với số lượng thực tế đàn chuột hàng đêm từ trên rừng tràn xuống phá hoại ruộng lúa. Chúng không chỉ ăn mà còn dùng răng cắt hết các bông lúa đang nặng trĩu hạt trên cây. Vì vậy, chỉ cần sau một đêm bị chuột tàn phá là đồng ruộng trở nên xơ xác, hoang tàn. Khi những biện pháp thủ công không hạn chế được sự tàn phá nặng nề của dịch chim chuột, các xã đã báo cáo lên huyện, cơ quan chức năng đề nghị nghiên cứu, tìm giải pháp khắc phục nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự vào cuộc tích cực từ phía các ban, ngành chức năng.
Là những xã thuần nông, nhưng nhiều năm qua, các xã vùng cao này lại chưa hề đảm bảo được về an ninh lương thực, sống bằng nghề nông nhưng nhiều hộ vẫn không có đủ gạo ăn, nhiều gia đình thiếu đói giáp hạt từ 1 đến 2 tháng/năm. Thời gian từ nay đến khi được thu hoạch vụ mùa không còn bao lâu, thực trạng trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, nghiên cứu, tìm giải pháp ngăn chặn nạn chim, chuột phá hoại đồng ruộng, bảo vệ mùa màng cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở những xã đặc biệt khó khăn này
Đức Anh
Ý kiến ()