Trăn trở về doanh nghiệp nhà nước
Một lần nữa, vấn đề hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước lại được xới lên khi đến thời hạn Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cho giai đoạn mới (2021-2025) và tiếp theo đó là tổ chức hội nghị toàn quốc Thủ tướng với doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư, đề xuất của doanh nghiệp trước khi Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai thực hiện.
Điểm khác biệt là ở hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận những người được giao trọng trách đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp hay những vị tư lệnh ngành đứng lên đọc bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn với nội dung chủ đạo là báo cáo thành tích hoặc phát biểu cho xong. Thay vào đó, Thủ tướng yêu cầu mỗi ý kiến phải bật ra từ sự trăn trở, đau đáu đến mất ăn mất ngủ, thể hiện trách nhiệm với công việc của những người đứng đầu. Với tinh thần đó, hàng loạt câu hỏi đã được Thủ tướng Chính phủ xoáy vào những vấn đề nóng mà khu vực doanh nghiệp nhà nước đang phải đối mặt cũng như khó khăn riêng của từng tập đoàn, tổng công ty.
Từ đó, đòi hỏi người đứng đầu đơn vị phải tìm được hướng giải quyết, không để doanh nghiệp rơi vào tình thế bị động, kéo theo sự bị động của cả nền kinh tế.
Những vấn đề được Thủ tướng nêu ra, là vì sao không cân đối được cung-cầu xăng dầu, trong khi trữ lượng dầu trong nước rất lớn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tính toán, đề xuất có thể xây thêm một nhà máy lọc dầu để bảo đảm an ninh năng lượng hay không. Kinh tế đang phục hồi có dẫn đến nguy cơ thiếu điện vào mùa hè hay không, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất giải pháp gì để tình trạng đó không xảy ra. Với ngành công nghiệp nặng, Thủ tướng đặt câu hỏi vì sao đến nay Việt Nam chưa có nổi một nhà máy luyện thép mà chỉ sản xuất phôi, doanh nghiệp hàng đầu về chế tạo máy như Lilama sau cổ phần hóa lại nhỏ dần về quy mô, mất vị thế, thương hiệu…
Về phía những người được giao trọng trách đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp không phải là không có trăn trở, tâm tư. Sự bất cập trong cơ chế, chính sách về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng như sự can thiệp quá sâu của các cơ quan quản lý vào hoạt động của doanh nghiệp đã khiến họ không có thực quyền trong hoạt động điều hành đầu tư, sản xuất, kinh doanh, làm bất cứ việc gì cũng phải hỏi, phải xin ý kiến cơ quan quản lý. Bản chất của đầu tư, kinh doanh là có rủi ro, phải chấp nhận có lỗ, có lãi nhưng tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động, đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước là phải “trăm trận trăm thắng”, không chấp nhận có dự án/hoạt động thua lỗ. Thực tế này làm nảy sinh tâm lý không muốn hoặc không dám làm, khiến một phần trong khối tài sản nhiều triệu tỷ đồng của đất nước bị đóng băng, không thể chảy mạnh mẽ vào nền kinh tế để tạo ra nhiều của cải vật chất, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng.
Những khó khăn, vướng mắc này đã được nhận diện và đưa ra giải pháp tháo gỡ tại đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025. Việc triển khai thực hiện đề án một cách quyết liệt và trách nhiệm đang mở ra kỳ vọng sẽ tạo sinh khí mới cho hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Ý kiến ()