Trăn trở “khu sông”
LSO-Không điện, không cầu, không nhà văn hóa, không có trường học kiên cố, không có sóng điện thoại. Chỉ với 5 cái không đó cũng đủ để hình dung ra cuộc sống của người dân các thôn bên sông của xã Tĩnh Bắc, huyện Lộc Bình (người dân gọi là khu sông) khó khăn đến mức nào.
Cây cầu tre tự làm giúp người dân đi lại vào mùa khô |
Lội sông đi làm
Trong những cái không kể trên, không có cầu kiên cố chính là nỗi trăn trở lớn nhất của người dân khu sông, xã Tĩnh Bắc (gồm các thôn: Tằm Pất, Tằm Hán, Bản Quyên, Bản Hu, Pò Chong). Ông Nông Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Việc đi lại của người dân khu sông chỉ thuận lợi vào thời điểm từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Bởi thời điểm này, nước cạn nên người dân tự chế cây cầu bằng tre nứa. Những tháng còn lại trong năm, đặc biệt là vào mùa mưa, việc đi lại của người dân vô cùng vất vả. Cả 200 hộ dân của 5 thôn phụ thuộc vào một chiếc thuyền, nhà nào có việc cấp bách lắm mới mượn chủ thuyền để sang sông. Còn bình thường, người dân chọn cách lội qua sông để sang bờ bên kia.
Ngặt nỗi, đã là mùa nước, chỗ cạn nhất cũng ngập đến thắt lưng. Vậy là người dân chỉ còn cách vừa lội qua sông, vừa cầm quần áo khô để mang sang bên kia bờ thay. Thay được quần áo khô, bộ quần áo ướt lại được phơi ngay tại bụi cây trên bờ. Khi nào trở về, lại lội sang bờ bên kia thay. Ướt quần áo đã khổ, nhưng mỗi lần lội nước, nhất là vào mùa lũ, người dân lại thấp thỏm lo lắng nếu gặp phải lũ quét bất ngờ thì không biết phải làm thế nào.
Đi thuyền thuận lợi hơn nhưng cũng nguy hiểm chẳng kém lội nước. Câu chuyện cách đây vài năm của ông Lương Văn Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Tĩnh Bắc là một ví dụ. Nước cao, ông cùng chiếc xe máy được thuyền chở sang, nhưng giữa dòng chẳng may bị lật. Chiếc xe máy rơi xuống sông phải tận đến ngày hôm sau mới nhờ người lặn tìm hộ được, cũng may người không sao.
Còn nhiều câu chuyện liên quan đến nỗi khổ của người dân khi không có cầu, như: trẻ em không sang được trường, thầy cô không đến được lớp; 4-5 người lội sông khênh một chiếc xe máy hay bao nông sản sang sông đem ra chợ bán…
Thiếu đủ thứ
Không cầu, 5 thôn khu sông còn thiếu đủ đường. Không có điện lưới, mùa khô người dân mua máy phát điện loại nhỏ, mùa mưa dùng ắc quy, gần đây khá hơn là dùng thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời. Nhưng tất cả cũng chỉ sử dụng được bóng đèn thắp sáng, cùng lắm là chiếc ti vi tích điện của Trung Quốc.
Không sang được trường chính học, những điểm trường được mở ở 5 thôn khu sông cũng ọp ẹp và chỉ trực sập. Ví dụ như điểm trường mầm non ở thôn Bản Hu, thôn Tằm Pất được trưng dụng từ ngôi nhà chình tường dùng để họp thôn xây từ những năm 1999-2000. Ông Hoàng Văn Đài, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã cho biết: Sinh sống ở thôn Bản Hu từ lâu nên tôi thấm thía những khó khăn, vất vả mà người dân cũng như thầy cô giáo gặp phải. Nhà chình tường xuống cấp nghiêm trọng, nhưng ngoài việc để các cháu học sinh tiểu học, mầm non học thì những ngôi nhà dột nát đó còn dùng để họp thôn. Cũ kỹ nhưng vẫn còn khá, bởi một số thôn khác chưa xây được nhà văn hóa, mỗi khi có việc liên quan đến họp hành lại kéo nhau hết đến nhà trưởng thôn.
Cơ sở hạ tầng không có, điện, rồi đến sóng điện thoại cũng không có. Cuộc sống của người dân 5 thôn khu sông cứ “mù mịt” kiểu ấy suốt bao đời nay.
Mong sớm triển khai dự án
Do nằm trong dự án Hồ chứa nước Bản Lải nên 5 thôn chưa được đầu tư. Ông Lương Văn Mông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tĩnh Bắc cho biết: “Từ năm 2006, các đoàn khảo sát của dự án đã đến. Sau khi có dự án cũng như những văn bản chỉ đạo của huyện, người dân ở các thôn nằm trong dự án nghiêm chỉnh chấp hành quy định. Từ đó, hạ tầng không được đầu tư, người dân cũng không dám đầu tư phát triển kinh tế vì không biết khi nào sẽ phải di chuyển. Trước năm 2015, khi còn làm Chủ tịch UBND xã, đã có lần người dân trực tiếp hỏi tôi có được xây chuồng để nuôi lợn hay không bởi không thấy dự án triển khai gì cả”.
Hay như bản thân ông Mông được gia đình cho 2 ha đất lâm nghiệp từ nhiều năm trước. Nhưng do biết các thôn nằm trong dự án nên không dám đầu tư trồng trọt gì. Ông Mông chia sẻ: Nếu khi đó mình mạnh dạn trồng thông, có khi giờ đã cho thu hoạch nhựa rồi.
Đó là tình trạng chung của các hộ dân khác ở 5 thôn khu sông xã Tĩnh Bắc. Đã có những bước triển khai dự án, tuy nhiên đến nay, người dân ở 5 thôn vẫn chưa thấy có thông tin gì liên quan đến việc kiểm đếm, di chuyển nên không khỏi lo lắng. Chính vì vậy, người dân mong mỏi các cấp, các ngành đưa ra giải pháp cụ thể để giúp người dân vượt qua khó khăn như hiện nay.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()