Trăn trở đồng lương công chức
LSO- Cuộc sống đòi hỏi chi tiêu ngày càng nhiều trong khi đồng lương “ba cọc, ba đồng” đang là nỗi trăn trở của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Cán bộ phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn giải quyết thủ tục hành chính cho công dân
“Thắt lưng buộc bụng” cũng không đủ chi
Chị Hoàng Thị Ánh là cán bộ “một cửa” phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn. Sau gần 10 năm công tác, hiện nay tổng thu nhập từ lương hàng tháng của chị gần 4 triệu đồng. Chồng chị cũng là cán bộ công tác tại huyện Chi Lăng, mỗi tháng tổng thu nhập từ lương cũng khoảng 4 triệu đồng. Như vậy tổng thu nhập từ lương của gia đình chị Ánh là 8 triệu đồng/tháng. Chị Ánh than thở: “Số tiền này không đủ chi sinh hoạt tối thiểu trong gia đình. Chỉ tính sơ sơ mỗi tháng, tôi phải chi tiền thuê nhà; điện, nước, cước điện thoại, Internet, học phí cho 2 con hết 4 triệu đồng. Chồng thì công tác xa, nhà coi như có “2 nồi cơm”, gần 4 triệu còn lại không đủ chi tiêu dùng, ăn uống, đi lại và các khoản phát sinh. Để đảm bảo cuộc sống, tranh thủ ngày nghỉ vợ chồng tôi phải về quê làm ruộng. Lúc thiếu thốn phải vay mượn”.
Theo tính toán của Sở Nội vụ Lạng Sơn, mức thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp lương đối với cán bộ tại tỉnh như hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của đời sống, chưa đủ để cán bộ sống bằng tiền lương. Mức thu nhập bình quân của cán bộ trên địa bàn tỉnh trong năm 2014 là hơn 3,6 triệu đồng. Mức thu nhập này thấp hơn so với thu nhập của công chức, người lao động trong các doanh nghiệp từ 0,2 – 3,9 triệu đồng; so với thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh chỉ cao hơn 1,2 triệu đồng.
Cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện Cao Lộc trong giờ làm việc. Ảnh: THẾ BẢO
Bươn trải do lương thấp
Lương thấp, nhiều cán bộ nhà nước đã và đang phải bươn trải đêrể có thêm thu nhập. Người mạnh dạn thì đầu tư kinh doanh lớn, có người thì buôn bán nhỏ hoặc làm nhiều công việc để có thêm thu nhập. Chị Đường Thị Lành, kế toán Phòng Y tế thành phố Lạng Sơn kể: tôi là kế toán kiêm nhiệm 3 cơ quan nhưng lương tháng cũng chỉ được 3,4 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ trả tiền ăn sáng, thuê nhà, mua sữa cho con. Các chi tiêu khác trong gia đình hầu hết dựa vào thu nhập của chồng. Để có thêm tiền trang trải, tôi phải kinh doanh quần áo, chăn ga, gối đệm, mỹ phẩm trên mạng.
Theo nhận định của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn, từ đồng lương thấp dẫn đến một số hạn chế nhất định. Trong đó, lương thấp không kích thích được cán bộ làm việc, không thu hút được người tài vào các cơ quan nhà nước. Thậm chí lương thấp còn là nguyên nhân của tiêu cực, tham nhũng. Bà Triệu Thị Thúy Lan, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lạng Sơn cho rằng: từ đồng lương thấp, nhiều cán bộ đã phải làm thêm bên ngoài. Do đó, việc kiểm soát thu nhập ngoài lương của cán bộ là rất khó. Ví dụ như kế toán cơ quan nhà nước làm thêm ngoài giờ, làm kế toán cho các doanh nghiệp… thì thu nhập rất cao, cao hơn cả lương chính nên không kiểm soát được tổng thu nhập của cán bộ.
Lương bao nhiêu thì đủ?
Trước thực tế này, nhiều người đặt ra câu hỏi “Bao giờ lương mới đáp ứng đủ nhu cầu của công chức?”. Tại cuộc khảo sát thực hiện chính sách tiền lương ở Lạng Sơn đầu tháng 6/2015, bà Nguyễn Bích Thu – Hàm vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ cho biết: từ năm 2004 đến nay, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh 7 lần nhưng mỗi lần điều chỉnh tăng chỉ bù đắp được một phần nhỏ chi phí của cán bộ. Mức lương tối thiểu hiện nay chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức, chưa đủ để cán bộ, công chức sống bằng tiền lương. Tuy nhiên, hiện tại, quỹ lương công chức, viên chức chiếm khoảng 40% tổng thu của ngân sách nhà nước. Nếu tăng lương khu vực này lên cao quá thì gần như toàn bộ ngân sách chỉ để trả tiền lương. Hiện, Ban Chỉ đạo Nhà nước về cải cách tiền lương đang tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ phương án cải cách cơ bản chính sách tiền lương công chức nhà nước đến năm 2020 làm sao để thu nhập từ lương dần của cán bộ.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()