Trăn trở cùng nông dân đồng bằng sông Cửu Long
Nghị quyết của Ðảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang đi vào cuộc sống, tạo bước đổi thay rõ nét trong đời sống của người dân vùng sông nước mênh mông đồng bằng sông Cửu Long, nơi được xem là vựa lúa của cả nước.
Nghị quyết của Ðảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang đi vào cuộc sống, tạo bước đổi thay rõ nét trong đời sống của người dân vùng sông nước mênh mông đồng bằng sông Cửu Long, nơi được xem là vựa lúa của cả nước.
Khởi sắc nhiều mô hình hiệu quả
Về thăm, tìm hiểu kết quả thực hiện Nghị quyết của Ðảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, chúng tôi có dịp chứng kiến những đổi thay ở nhiều làng quê vùng sông nước. Nhìn những cánh đồng lúa chín đang bước vào vụ thu hoạch, cảm giác vui lây với niềm hân hoan được mùa của bà con. Dọc theo các tuyến đường giao thông nông thôn các xã, thôn, ấp từ An Giang đến Hậu Giang, qua Cần Thơ, sang Vĩnh Long, Long An… là những vườn cây trái xanh tốt, ẩn hiện những căn nhà tường, mái ngói mới mọc lên ngày càng nhiều… Bộ mặt nông thôn thật sự “thay da đổi thịt”, đời sống vật chất, tinh thần người dân không ngừng được nâng lên. Kết quả đó, thể hiện Nghị quyết của Ðảng đi vào cuộc sống, được nhân dân nô nức hưởng ứng, cũng như tiến trình xây dựng nông thôn mới mang sức lan tỏa rộng khắp.
Về thăm An Giang, Hậu Giang, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình cán bộ, hội viên nông dân sản xuất hiệu quả cao. Ðiển hình như mô hình nuôi cua đinh – baba của bà Trịnh Thị Nguyệt ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), chỉ với diện tích khoảng 4.000 m2 thả nuôi, mỗi năm cho thu nhập 700 triệu đồng. Trong sản xuất lúa, Hậu Giang đã xây dựng được 5 điểm chỉ đạo thực hiện cánh đồng mẫu lớn. Trên diện tích khoảng 1.314 ha, với sự liên kết, chung tay góp sức của hơn 1.500 hộ nông dân, bước đầu hình thành quy trình canh tác tập trung, quy mô của vùng nguyên liệu lớn. Ðiều đó góp phần đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trên đồng ruộng, xóa dần tập quán sản xuất nhỏ lẻ, nâng cao giá trị lúa gạo khi xuất khẩu.
Tại đây, nhiều mô hình HTX cũng đã bắt kịp thị trường, bước đầu gắn kết xã viên, nông dân trong chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ, có cam kết, thỏa thuận với doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, về “đầu vào” và “đầu ra” đôi bên cùng có lợi. Theo báo cáo sơ kết của Tỉnh ủy Hậu Giang, từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã phát triển mới 113 HTX. Tính đến tháng 6 năm nay, có 123/188 HTX trong toàn tỉnh hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, với hơn 5.600 tổ hợp tác.
Ðến thăm HTX cây giống Thạnh Phước nằm trên tuyến đường nhựa Cái Chanh – Ông Hoạch nối tuyến tỉnh lộ 925, thuộc xã Ðông Thạnh, huyện Châu Thành, một trong những HTX được đánh giá có hướng đi khá vững chắc. Khởi điểm năm 1999 từ một Câu lạc bộ khuyến nông chỉ vỏn vẹn 16 thành viên, với vốn điều lệ 20 triệu đồng, tổng diện tích 17 ha trồng chanh không hạt, đến nay HTX có 84 xã viên, trong đó có bảy xã viên là cán bộ, đảng viên. Vốn điều lệ tăng lên 1,9 tỷ đồng, tổng diện tích canh tác của HTX là 97 ha. HTX từng bước tiếp cận thị trường, cụ thể từ sản xuất và cung ứng giống cây ăn trái sạch bệnh, cung ứng phân bón; đến bao tiêu, cung ứng chanh trái không hạt giúp xã viên và gần 300 hộ nông dân các xã lân cận như Ðông Phước, Phú An, Thạnh Xuân… với tổng diện tích “vùng chanh” gần 200 ha. Ðiểm mới trong trồng chanh không hạt của HTX là thực hiện quy trình VietGap đạt tiêu chuẩn và đủ điều kiện xuất khẩu và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang”. Ông Nguyễn Văn Chiến (Hai Chiến), Chủ nhiệm HTX, hăng hái kể chuyện gieo trồng loại cây trái xuất xứ từ nước ngoài, rồi cách thức làm sao đưa thương hiệu, hương vị chanh Thạnh Phước bay xa, được đông đảo khách hàng, doanh nghiệp ưa chuộng… Ðây là loại chanh trái to, vỏ mỏng, vị chua và thơm hơn nhiều giống khác, đạt năng suất cao. Chăm sóc cây trưởng thành trong khoảng bốn năm có thể thu hoạch tới một tạ trái/cây/năm.
Ông Hai Chiến vui vẻ nói, HTX hiện nay không còn hộ nghèo, thu nhập trung bình khoảng 30 triệu đồng/người/năm, trung bình mười hộ có tám hộ khá và giàu, đơn cử các hộ xã viên nông dân Tám Khỏe, Bảy Bé, Hai Thanh…
Tìm thế mạnh cạnh tranh
Gặp gỡ nhiều gương mặt tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đều là những nông dân vốn cần cù, chịu thương chịu khó. Trước cơ chế thị trường bộn bề thách thức, nhà nông càng phải nỗ lực vượt lên, sáng tạo, năng động hơn trong cách nghĩ, cách làm trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Trên đà xây dựng nông thôn mới, người dân đã nhận thức làm ăn cần sự năng động, tháo vát, bươn chải hơn, “bắt mạch” lượng cung – cầu sản phẩm, để từ đó nâng cao nguồn thu về từ ruộng lúa, vườn cây trái. Mục tiêu của tỉnh ưu tiên phát triển nhanh việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để CNH, HÐH nông thôn. Ðồng chí Ðinh Văn Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết thêm, thời gian qua các cấp, các ngành triển khai nhiều chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn, trung hạn, giúp hơn 283 nghìn lượt nông dân bổ sung và nâng cao kiến thức. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 7.500 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; trong đó có hơn 3.500 hộ với các mô hình sản xuất đạt doanh thu ít nhất 100 triệu đồng/ha/năm.
Trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang tập trung triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại các ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của địa phương. Ðồng chí Nguyễn Văn Ðồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh ưu tiên phát triển mạnh 10 sản phẩm chủ lực, trong đó năm giống cây trái chủ lực được chọn, gồm bưởi Năm roi, cam sành, chanh không hạt, quýt đường, khóm Cầu Ðúc, xoài Châu Thành A. Diện tích nhóm cây ăn quả đưa vào quy hoạch lên đến 14.500 ha. Ngành chúng tôi đã hoàn thiện 10 quy trình sản xuất cho các sản phẩm chủ lực, từ đó chuyển giao cho người dân thực hiện đồng bộ tại các địa phương. Ngoài hướng dẫn kỹ thuật canh tác, quy trình VietGap, GlobalGap, chúng tôi còn quan tâm các yếu tố hạ giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập của người dân, khẳng định thế mạnh cạnh tranh của mỗi loại cây trái.
Như bao miền quê khác, tiến trình mở cửa, hội nhập mang lại nhiều thành quả và không ít thách thức, nỗi niềm trăn trở với người dân nông thôn bên dòng sông Hậu. Nhiều cán bộ và bà con cho biết, lâu nay, nỗi lo của nông dân là “đầu ra”, giá cả hàng nông sản luôn gặp khó. Từ đầu năm đến nay, không riêng gì nông dân lo lắng về giá lúa, mà việc xuất khẩu gạo của doanh nghiệp vẫn là một bài toán khó! Giá gạo trong nước và xuất khẩu ở mức thấp trong một thời gian dài, lượng gạo tồn đọng tại các doanh nghiệp khá lớn. Chia sẻ vấn đề này, nhìn xa hơn, nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện trăn trở, đến năm 2015, nhiều hiệp định khu vực và quốc tế như AFTA, WTO có hiệu lực, chắc chắn sẽ tác động rất lớn vào thị trường nông sản nước ta. Các đồng chí lãnh đạo địa phương nhận định, như ở Hậu Giang, hai ngành hàng mía đường và ngành chăn nuôi là thế mạnh cũng sẽ chịu tác động mạnh. Tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và một số bộ, ngành hữu quan cần xây dựng ngay các chương trình, đề án nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro giúp bà con nông dân.
Vào thời điểm này, nông dân ở các huyện Vị Thủy, Châu Thành A và TP Vị Thanh ở Hậu Giang đang bước vào thu hoạch vụ lúa Thu đông 2013. Người dân cho biết, vụ lúa này năng suất đạt tương đối cao từ 6 đến 7 tấn/ha, nhưng giá không cao, lãi thấp. So với cách đây một tuần, nhiều loại lúa gạo giảm thêm khoảng 200 đến 400 đồng/kg. Hiện lúa tươi IR 50404 được thương lái mua tại ruộng ở mức từ 3.800 đến 4.000 đồng/kg và đang có xu hướng tiếp tục giảm; nhiều loại lúa tươi hạt dài như: OM 6976, OM 2517, OM 5451… ở mức từ 4.500 đến 4.600 đồng/kg. Theo tính toán của nông dân, giá lúa tươi phải ở mức từ 5.000 đồng/kg và lúa khô từ 6.000 đồng/kg trở lên, mới bảo đảm có lời đạt 30% so với giá thành sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Nam, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy cho biết: Vụ lúa này, ông trồng năm công, đạt năng suất khá cao, 40 giạ/công (1 giạ 20 kg), tăng gần năm giạ so với cùng kỳ. Tuy vậy, “chưa kịp mừng đã lo”, trúng mùa nhưng do giá thấp, nên mức lợi nhuận thu được chỉ 1,2 triệu đồng/công (chỉ đạt khoảng 20%). “Vẫn biết bán lúc này là chịu thiệt, nhưng biết sao hơn, nếu không bán thì biết trữ để đâu, nhà nông đâu có nơi tồn trữ, phơi sấy!?”.
Nỗi niềm của hộ gia đình ông Nam ở xã Vị Thanh, thiết nghĩ vẫn đang là nỗi lo âu đau đáu của bà con làm nông vùng sông nước Hậu Giang và miền Tây Nam Bộ.
“Vấn đề thu mua, tạm trữ, xuất khẩu lương thực khu vực ÐBSCL nhiều năm qua còn nhiều vấn đề bất ổn, chưa bảo đảm lợi nhuận cho người trồng lúa. Ðề nghị Chính phủ đưa vấn đề này vào trọng tâm chỉ đạo trong thời gian sớm nhất”.
(Ðồng chí Ðinh Văn Chung, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang)
Về cơ chế tạm trữ lúa gạo, kiến nghị Chính phủ sớm xem xét quyết định cơ chế theo bốn kênh: Dự trữ cấp Chính phủ; Doanh nghiệp kinh doanh lương thực bắt buộc dự trữ; Dự trữ trong dân; và Lưu thông tự do thị trường.
(Ðồng chí Nguyễn Văn Ðồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang)
“Với vùng sản xuất nông nghiệp ở vùng miền Tây Nam Bộ cần có chính sách hỗ trợ để khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm. Cụ thể, từ việc nâng cấp hệ thống thủy lợi trong vùng nguyên liệu, điều chỉnh chính sách đất đai mở rộng hạn điền, đến việc ưu đãi vốn vay và miễn giảm thuế thu nhập và hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà máy, kho, cơ sở chế biến, bảo quản…”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()