Trăn trở bảo tồn ngôi đình cổ
– Mặc dù di tích đình Pác Yếng xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn đã được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cho ý kiến thực hiện tu bổ từ năm 2019, nhưng 5 năm qua, việc tu bổ di tích này vẫn chưa thể thực hiện do thiếu nguồn kinh phí. Trong khi di tích đang ngày một xuống cấp nghiêm trọng và có nhiều nguy cơ đổ sập.
Trong thời kỳ phong kiến, đình Pác Yếng là nơi sinh hoạt và tổ chức các hoạt động tín ngưỡng tâm linh như các ngày lễ đình, hội đình vào mùng 4 tháng Giêng… Ông Nguyễn Bá San, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Đình Pác Yếng là một trong những di tích còn giữ được những nét độc đáo về kiến trúc đình làng Bắc Sơn, mang đậm phong cách văn hóa dân gian, các kết cấu gỗ của đình đều được chạm khắc công phu và tinh xảo. Đình thờ thần Cao Sơn Quý Minh, người đã có công dẹp giặc ngoại xâm bảo vệ xóm làng, quê hương. Vì vậy, việc bảo tồn di tích đình Pác Yếng là giữ gìn bản sắc, di sản văn hóa quý báu của Nhân dân cả về mặt kiến trúc cũng như tín ngưỡng.
Di tích Đình Pác Yếng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn
Được biết, từ năm 1965, đình Pác Yếng bị bỏ hoang, năm 2001, chính quyền xã Đồng Ý và Nhân dân nơi đây đã quyên góp kinh phí, công sức tu bổ, tôn tạo một số chi tiết nhỏ của đình. Tuy nhiên, theo thời gian, tới nay, đình Pác Yếng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mái đình bị hư hỏng nặng, có nguy cơ đổ sập.
Ông Phạm Bá Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng ý cho biết: Năm 2018, UBND xã đã có văn bản về việc xin chủ trương tu sửa di tích đình Pắc Yếng và được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chấp thuận. Sau đó, UBND xã đã xin ý kiến của các nhà nghiên cứu, người cao tuổi và nghệ nhân có am hiểu để tu sửa đình. Tuy nhiên, để tu sửa lại toàn bộ đình cần kinh phí rất lớn (khoảng 800 triệu đồng), trong khi nguồn huy động xã hội hóa trên địa bàn mới được gần 100 triệu đồng. Trước mắt, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền bà con nâng cao ý thức bảo vệ di tích, cử người bảo vệ, phát quang di tích. Đặc biệt, trong năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng thuê đơn vị thi công hoàn thiện bản báo cáo kinh tế kỹ thuật của đình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Qua tìm hiểu từ phòng chuyên môn của huyện, chúng tối được biết việc sửa chữa, nâng cấp đình Pác Yếng còn gặp phải một số vướng mắc, khó khăn nhất định. Cụ thể, do số lượng di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp trên địa bàn huyện Bắc Sơn ngày càng nhiều, đòi hỏi nguồn vốn lớn trong khi đó ngân sách Nhà nước đầu tư cho việc trùng tu, nâng cấp, tu bổ các di tích trên địa bàn huyện còn hạn chế.
Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Để bảo vệ các di tích nói chung trên địa bàn huyện và di tích đình Pác Yếng nói riêng, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo khoanh vùng bảo vệ ngôi đình từ năm 2022. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện thực hiện một số hoạt động bảo vệ di tích như: hướng dẫn UBND xã Đồng Ý sớm hoàn thiện báo cáo kinh tế kỹ thuật, đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục từ đó, tiến hành tu sửa trước một phần di tích. Cùng đó, đẩy mạnh việc huy động thêm các nguồn lực từ xã hội để tu sửa đình trong thời gian sớm nhất.
Trước thực tế đình Pác Yếng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian thì việc tăng cường quản lý và bảo tồn di sản văn hóa này là điều rất cần thiết. Hy vọng thời gian tới, các cấp, ngành liên quan sẽ có nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa để bảo tồn, phát huy giá trị di tích này.
Di tích đình Pác Yếng được xây dựng đầu thế kỷ XX. Đình có kiến trúc theo kiểu chữ nhất (-) gồm 3 gian 2 chái, diện tích 273 m2, mái lợp ngói âm dương, bộ khung của đình gồm 8 cột cái, 12 cột quân và 12 cột hiên. Đình được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2012. |
Ý kiến ()