Trấn Ninh tập trung phát triển cây mận
LSO-Những năm gần đây, người dân xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan đã chuyển đổi một số diện tích đất nương, đồi kém hiệu quả sang trồng cây mận cơm đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Cây mận cơm giúp gia đình ông Triệu Văn Định, thôn Phiêng Lầy
có thêm nguồn thu nhập mỗi năm
Có dịp về xã Trấn Ninh vào những ngày giữa tháng 4 này, chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn những vườn mận cơm xanh ngắt dọc hai bên đường. Trên những khu vườn, người dân đang khẩn trương thu hái để bán cho tư thương.
Gia đình ông Triệu Văn Định, thôn Phiêng Lầy là một trong những hộ trồng mận cơm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, trên diện tích đó, gia đình ông chỉ trồng ngô nên thu nhập thấp. Từ năm 2015, gia đình ông đưa cây mận cơm vào trồng, hiện đã có trên 1.000 gốc đang cho thu hoạch và hơn 1.000 gốc mới trồng.
Ông Định cho biết: Vụ mận năm ngoái gia đình thu được hơn 2 tấn quả (giá bán bình quân từ 18 đến 20 nghìn đồng/kg), gia đình tôi thu về khoảng 20 triệu đồng. Năm nay, mận sai hơn, dự kiến cuối vụ có thể cho thu hoạch đến 7 tấn; từ đầu vụ đến nay, gia đình đã bán được khoảng 5 tạ; giá bán thời điểm cao nhất đạt 80 nghìn đồng/kg, hiện nay là 15 – 20 nghìn đồng/kg.
Không chỉ riêng gia đình ông Định mà từ cây mận cơm đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã tăng thu nhập. Hiện cây mận được đưa vào trồng tại 7/7 thôn, bản với trên 90% số hộ trồng; hộ trồng ít thì 1 – 2 sào, hộ trồng nhiều nhất khoảng 2 – 3 ha. Theo tính toán của bà con, một cây mận có thể thu hoạch từ 8 đến 10 kg/vụ, với giá bán trung bình từ 18 đến 20 nghìn đồng/kg thì 1 cây có thể thu về khoảng 200 nghìn đồng, cao gấp đôi cây ngô.
Ông Hoàng Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Trấn Ninh cho biết: Cây mận cơm vốn là cây trồng truyền thống có từ đời cha ông, tuy nhiên ban đầu các hộ chỉ trồng ít để phục vụ gia đình và mang ra chợ bán lẻ. Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây mận đem lại, từ năm 2015 trở lại đây, cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động người dân đưa cây mận vào trồng trên diện tích đất kém hiệu quả. Nhờ đó, đến nay tổng diện tích trồng mận của toàn xã đạt gần 40 ha, trong đó trồng nhiều nhất ở các thôn: Phù Huê, Kòn Pù, Khun Thẳm…
Hiện nay, bên cạnh việc người dân tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, để khuyến khích bà con phát triển và mở rộng diện tích cây mận, hằng năm, xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở từ 1 đến 2 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây (trong đó có cây mận) giúp người dân cập nhật các kiến thức mới, áp dụng vào thực tế sản xuất.
Qua đó, bà con đã quan tâm đến việc bón phân, phát cỏ, vun gốc… để cây phát triển tốt, cho quả to, nhiều và đều hơn. Hằng năm, nhiều hộ chủ động chặt những cây già cỗi, cây không còn sai quả để trồng dặm cây mới, từ đầu năm 2019 đến nay, người dân toàn xã trồng mới được 11,2 ha.
Ông Hoàng Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để phát triển nên cây mận cơm trên địa bàn xã phát triển tốt, cho quả đều, đẹp. Sản lượng mận toàn xã đạt trung bình trên 20 tấn/năm. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập của bà con, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 18 triệu đồng/người/năm (năm 2015 chỉ đạt khoảng 12 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo còn 56% (giảm 6% so với năm 2017). Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích bà con mở rộng diện tích cây mận, giúp người dân từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()