Tràn lan bảng hiệu bằng tiếng nước ngoài
LSO- Bảng hiệu sử dụng tiếng nước ngoài để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh những biển quảng cáo như vậy lại được sử dụng tràn lan.
Bảng hiệu quảng cáo bằng ngôn ngữ nước ngoài trên đường Bà Triệu,
thành phố Lạng Sơn
Khoản 2 điều 18 Luật Quảng cáo quy định giới hạn và cách thức sử dụng chữ viết nước ngoài trên các biển hiệu: trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt thì phần chữ nước ngoài không được lớn hơn ¾ so với chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt.
Quy định là vậy, song thực tế trên địa bàn tỉnh, các cửa hàng, nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, nhà hàng, quán ăn sử dụng tiếng nước ngoài để quảng cáo vẫn diễn ra. Dễ thấy nhất là các tuyến đường: Trần Đăng Ninh, Bà Triệu, Lê Lợi… thành phố Lạng Sơn. Đơn cử, từ đoạn đường Bà Triệu giao cắt với đường Lê Lợi đến siêu thị Bình Cam Lasvilla chỉ khoảng 100 m nhưng có tới 5, 6 bảng hiệu bằng tiếng nước ngoài như: Marry, Monaco, Royal, Thu Cuc clinics, Queen spa… Bên cạnh bảng hiệu 100% là tiếng nước ngoài, trên địa bàn thành phố còn có những bảng hiệu nửa tây, nửa ta như: Trang Lady, Huyền boutique, Bông kid… Đặc biệt, trên nhiều tuyến phố còn xuất hiện bảng hiệu cỡ lớn như: Luxury, Dubai, Blue Exchange, The Price… Một số có tiếng Việt nhưng phần này lại đóng vai phụ bổ sung cho phần chữ nước ngoài ở trên, có cửa hàng rõ ràng là kinh doanh hàng Việt Nam nhưng lại ghi bằng tiếng nước ngoài là Made in Viet Nam. Ông Nguyễn Thế Hùng, cán bộ hưu trí phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi đã cao tuổi lại không biết nhiều về tiếng nước ngoài nên đi giữa con phố mà bảng hiệu toàn tiếng nước ngoài tôi cảm thấy mình lạc lõng. Một số cửa hàng nhìn bên ngoài có thể biết được họ kinh doanh gì nhưng có những nơi chỉ vào trong mới biết được.
Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng địa bàn thành phố Lạng Sơn hiện có trên 70 bảng hiệu sử dụng tiếng nước ngoài để quảng cáo. Thời gian qua, thành phố Lạng Sơn chưa xử lý trường hợp nào vi phạm về vấn đề này, chủ yếu là nhắc nhở nâng cao nhận thức cho người vi phạm. Chị Nguyễn Thùy Linh, chủ cửa hàng kinh doanh đồ uống, thức ăn nhanh tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Theo thị hiếu của khách (chủ yếu là giới trẻ) nên tôi đặt tên biển hiệu bằng tiếng nước ngoài cho trẻ trung. Do chưa được tuyên truyền nên tôi không biết việc mình làm quảng cáo bằng chữ nước ngoài là sai quy định.
Không riêng địa bàn thành phố, tại các huyện việc sử dụng tiếng nước ngoài hoặc song ngữ (tiếng nước ngoài và tiếng Việt) cũng diễn ra. Ông Hoàng Gia Tôn, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong tháng 4/2018, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo thống kê, xử lý dứt điểm các bảng hiệu quảng cáo vi phạm quy định trên địa bàn tỉnh. Đầu tháng 5/2018, sở đã yêu cầu các huyện thống kê bảng hiệu quảng cáo vi phạm, nhất là bảng hiệu sử dụng tiếng nước ngoài. Cùng đó, Thanh tra sở phối hợp với phòng văn hóa và thông tin các huyện kiểm tra tại 5 huyện, qua đó, phát hiện một số đơn vị vi phạm. Do nhận thức của người dân kinh doanh về Luật Quảng cáo còn hạn chế nên chưa nắm rõ các thông tin, quy định, vì vậy, đợt kiểm tra lần này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ yếu tập trung tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị vi phạm thực hiện đúng. Sau khi tuyên truyền, nhắc nhở, đoàn kiểm tra cho các cá nhân, đơn vị vi phạm thời gian 20 ngày để khắc phục, sau thời gian này, nếu còn vi phạm sẽ tiến hành xử phạt.
Tại các nước trên thế giới, bảng hiệu quảng cáo luôn sử dụng tiếng mẹ đẻ, nếu có sử dụng tiếng nước ngoài thì chỉ chiếm một phần diện tích rất nhỏ trên bảng hiệu đó. Như vậy, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài lại không làm mất đi bản sắc riêng của đất nước mình. Việc sử dụng tiếng nước ngoài để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đang dần diễn ra phổ biến nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng.
Theo Nghị định 158/NĐ – CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo nêu rõ “Phát tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà không thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài; các từ ngữ đã được quốc tế hóa; không thể thay thế bằng tiếng Việt; quảng cáo sản phẩm, dịch vụ mà thể hiện khổ chữ nước ngoài vượt quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và không đặt dưới chữ tiếng Việt trong trường hợp trên cùng một sản phẩm quảng cáo sử dụng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài”. |
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()