“Trạm y tế lưu động”: Sẵn sàng kích hoạt thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19
– Để giảm tải áp lực cho các cơ sở y tế, khi số lượng F0 vượt quá khả năng thu dung, điều trị, hiện nay các trạm y tế lưu động (TYTLĐ) trên địa bàn tỉnh đã được thành lập và sẵn sàng kích hoạt khi cần thiết.
Thực hiện Công điện số 1695/CĐ-BYT ngày 25/10/2021 của Bộ Y tế về việc bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch thành lập TYTLĐ. Theo đó, ngày 29/10/2021, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 110/KH – SYT thành lập TYTLĐ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong đó chỉ đạo và hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, tham mưu cho lãnh đạo UBND cùng cấp ban hành quyết định thành lập các TYTLĐ.
Cán bộ TYTLĐ số 6, huyện Văn Lãng lấy máu xét nghiệm cho F0 để xác định hướng điều trị
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 40 giường bệnh để điều trị F0. Khi số lượng F0 có xu hướng tăng cao, từ tháng 12/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện đã ra quyết định thành lập 20 TYTLĐ ở 20 xã, thị trấn, mỗi TYTLĐ có 5 thành viên. Chúng tôi đã giao Trung tâm Y tế (TTYT) huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ, quy trình điều trị F0 tại nhà, chủ động vật tư y tế theo hướng dẫn của Sở Y tế, phân công thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID -19 huyện kiểm tra cơ sở vật chất, nhân lực để sẵn sàng kích hoạt, điều trị F0 tại nhà.
Ngoài 20 TYTLĐ ở Chi Lăng, hiện nay, toàn tỉnh còn có 135 TYTLĐ được thành lập tại các huyện, thành phố. Để sẵn sàng kích hoạt TYTLĐ khi cần thiết, ngay sau khi UBND huyện ban hành quyết định thành lập TYTLĐ, TTYT các huyện đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ ở các trạm. Đồng thời, đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, hậu cần và các điều kiện cần thiết để TYTLĐ triển khai hoạt động. Bác sỹ Vy Trung Lâm, Phó Giám đốc TTYT huyện Lộc Bình cho biết: Từ tháng 9/2021, huyện đã thành lập 21 TYTLĐ tại 21 xã, thị trấn. Các TYTLĐ đều bảo đảm nhân lực 5 người: gồm 2 cán bộ y tế, 3 cán bộ khác (do xã bố trí) để hỗ trợ. Khi có khu vực bị phong tỏa do dịch COVID-19 hoặc số lượng F0 đông, các TYTLĐ sẵn sàng được kích hoạt, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh rất phức tạp, trung bình mỗi ngày có 100 ca F0. Trong đó, 96% F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Khi số lượng F0 vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở y tế; cùng với xu thế quản lý F1, điều trị F0 nhẹ tại nhà; thì TYTLĐ ra đời là tất yếu và có vai trò quan trọng. Đến thời điểm này, trong 155 TYTLĐ của toàn tỉnh, có 4 TYTLĐ tại Văn Lãng và Cao Lộc đã đi vào hoạt động, thu dung và điều trị cho hơn 500 bệnh nhân COVID-19. Đơn cử như: TYTLĐ số 6 cụm xã Tân Thanh, Tân Mỹ, huyện Văn Lãng được đặt tại Công ty TNHH Sản xuất ô tô DRAGON miền Bắc (thuộc địa bàn thôn Lũng Chang, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) đi vào hoạt động từ ngày 22/11/2021 đến nay đã tiếp nhận, thu dung, điều trị hơn 200 bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Anh N.H.T, bệnh nhân đã được điều trị khỏi COVID-19 tại TYTLĐ số 6, huyện Văn Lãng cho biết: Tôi mắc COVID-19 từ ngày 17/12/2021. Ngày 18/12/2021, tôi được đưa đến TYTLĐ số 6. Tại đây, tôi cảm thấy yên tâm khi các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị y tế đầy đủ. Trong thời gian điều trị, bác sỹ và nhân viên y tế ở đây rất nhiệt tình, chăm sóc chu đáo cho tôi, nhờ đó ngày 30/12/2021, tôi đã khỏi bệnh được về nhà.
Để có được kết quả đó, phải kể đến sự tích cực, chủ động và tận tâm của các cán bộ y tế nơi đây. Bác sĩ Lương Văn Hoàn, phụ trách TYT LĐ số 6, huyện Văn Lãng cho biết: Lúc đầu mới thành lập, trạm có 5 cán bộ, y bác sỹ. Đến nay, với số lượng bệnh nhân thu dung ngày càng tăng, trạm được TTYT huyện bố trí tăng cường thêm 2 cán bộ. 100% cán bộ trực 24/24 giờ để thu dung và điều trị F0. Ngoài ra, hằng ngày, cán bộ trạm tư vấn khoảng 15 người về phòng, chống COVID-19.
Cùng với lực lượng y tế, chính quyền cấp xã nơi có TYTLĐ tùy thuộc tình hình thực tế, có thể huy động các tổ chức chính trị xã hội, cán bộ xã, lực lượng nòng cốt tại thôn, bản, khối phố để hỗ trợ khi cần thiết. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân về hoạt động của TYTLĐ để người dân nắm bắt và liên hệ khi có nhu cầu.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: Tuy mới được thành lập và đưa vào hoạt động nhưng các TYTLĐ bước đầu đã phát huy được vai trò trong thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19. Thời gian tới, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa xây dựng phương án, hướng dẫn quản lý F1, điều trị F0 nhẹ tại nhà, Sở Y tế tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, chuẩn bị trạng thái sẵn sàng kích hoạt của các TYTLĐ để linh hoạt hình thức điều trị, giảm tải cho các cơ sở y tế, phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi F0 diễn biến vừa hoặc nặng.
Theo Quyết định số 4042/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 21/8/2021 hướng dẫn tạm thời mô hình TYT LĐ trong bối cảnh dịch COVID-19, TYT LĐ là một tổ chức thuộc TTYT tuyến huyện, có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời đối với người bệnh diễn biến nặng; quản lý điều trị người nhiễm COVID-19 không triệu chứng và các bệnh thông thường khác cho người dân trên địa bàn được giao… |
NGỌC HIẾU - DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()